“Bảo tàng sống” của văn hóa Phi vật thể Quan họ Bắc Ninh

18/12/2018 14:49 Số lượt xem: 1244
Tôi quen biết NSƯT Lệ Ngải rất lâu nhưng chỉ biết chị là một giọng hát quan họ nổi tiếng của vùng Kinh Bắc. Chỉ cần vào you tube gõ tên chị thì sẽ được nghe rất nhiều bài quan họ ngọt ngào của đôi liền chị Lệ Ngải, Minh Phức.

NSƯT Lệ Ngải

NSƯT Lệ Ngải, tên thật là Nguyễn Thị Ngải, sinh năm 1951 ở làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chị sinh ra trong một gia đình truyền thống văn hóa, bố đẻ chị là cụ nghệ nhân quan họ Nguyễn Đức Xôi. Khi còn nhỏ, Lệ Ngải đã học hát Quan họ từ bà, từ mẹ và tham gia nhiều Hội diễn văn nghệ quần chúng do địa phương tổ chức. Với nghệ nhân Lê Dân (Bất Lự) thì bất kỳ một sáng tác mới nào cũng được dành cho đôi Lệ Ngải - Minh Phức biểu diễn.
Năm 1969 tốt nghiệp trường cấp II Hiên Vân, Lệ Ngải nộp đơn thi vào Trung cấp Sư phạm Hà Bắc. Cái ngày chị đi khám sức khỏe để vào trường sư phạm đã đánh dấu bước ngoặt cuộc đời. Bố chị bảo:
- Con không đi sư phạm nữa. Bố đã làm hồ sơ cho con vào Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc rồi. Hôm nay con đi khám sức khỏe để hoàn thiện hồ sơ vào làm diễn viên.
Theo cụ, chị là một người có giọng ca trời phú, đã quen với sân khấu khi đi biểu diễn từ nhỏ. Lại nữa, ông là một trong hai người đứng đầu Đoàn quan họ, vì vậy con cháu mình nên gương mẫu xây dựng đoàn thì mới tuyển được nhiều diễn viên khác. Chị là thế hệ thứ hai của đoàn, sau 7 anh chị (Bún, Nghị, Lập, Mùi, Lan, Lẫm, Phức). Bẩy anh chị thế hệ đầu tập trung ở nhà bố chị vừa học vừa biểu diễn do bố chị truyền dạy.
Ngày 1-5-1969, Lệ Ngải được Sở văn hóa giới thiệu đi học ở Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc. Sau khi ra trường, cuối năm 1970 chị được chọn vào Đoàn văn công xung kích đi phục vụ chiến trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị náo nức chuẩn bị cùng đoàn vào chiến trường ác liệt với một tinh thần mang tiếng hát át tiếng bom để động viên bộ đội, đó là vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm thiêng liêng.
Đoàn Nam tiến bằng xe Gát, cứ đêm đi ngày nghỉ để tránh phục kích. Xe đi đêm chỉ được bật đèn gầm giữ bí mật. Có hôm đêm tối, đường khó, xe bị thụt xuống hố. Cả đoàn phải xuống xe để chờ giao liên gọi xe khác kéo lên. Khi đoàn đến Quảng Bình thì đúng vào mùa mưa. Đoàn văn công phải neo lại ở Binh trạm 14 một tháng chờ hết mưa thì mới biểu diễn được.
Thế rồi, Đoàn tiếp tục vào trong, đi đến đâu phục vụ đến đó. Đêm đầu tiên chị hát ở Binh trạm 27 phục vụ bộ đội lái xe. Các anh ngồi im lặng nghe hát rồi anh nào cũng khóc khi chị hát những làn điệu dân ca quan họ. Có hôm phục vụ cả ngày cả đêm mấy xuất diễn hát cho bộ đội, thương binh. Đoàn của chị chỉ có năm người (Lan, Chính, Sâm, Thắm, Ngải) nhưng các chị thay nhau hát. Ngày ấy bộ đội ta thấy văn công thì thích lắm. Các anh đi chiến đấu lâu ngày chưa được về quê. Suốt bao năm hành quân, lái xe chở hàng chi viện cho tiền tuyến chỉ nhìn thấy bóng con gái đã mừng đến nôn nao. Qua mỗi trạm thấy cô giao liên đầu đội mũ tai bèo, vai quấn khăn rằn đã nhao nhao hỏi thăm. Các anh chỉ hỏi quê đâu để được nghe tiếng con gái. Ôi chao, giọng con gái trong trẻo như tiếng chim rừng làm các anh tan hết mệt mỏi. Đó là những cô giao liên miền Trung, còn con gái miền Bắc có lẽ bao nhiêu năm các anh chưa nhìn thấy. Nay nghe có đoàn văn công Hà Bắc đến biểu diễn phục vụ thì niềm vui không thể nào tả hết. Chị kể bằng giọng xúc động. Các chị biểu diễn mặc áo bà ba nâu cánh dán. Mầu áo ngày xưa ở nhà các mẹ, các chị vẫn mặc. Có anh đến gần xin được sờ tay vào vạt áo vì lâu quá không nhìn thấy. Chị không sao quên được hôm ấy diễn vở Tình thương, chị đóng vai bà mẹ già 70 tuổi tiễn con ra trận. Diễn xong một anh bộ đội lên ôm chặt lấy chị khóc nức nở:
- Mẹ ơi, mẹ bao nhiêu tuổi?
Chị bẽn lẽn trả lời:
- Dạ, em mười chín.
- Chị giống mẹ tôi ở quê quá, đã 10 năm tôi chưa được gặp mẹ.
Sau này giải phóng anh bộ đội ấy quê Bắc Ninh, tên Biên tìm đến nhà chị rồi mời chị về quê anh chơi. Thế mới thấy tình người trong chiến tranh quý biết nhường nào.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất là lần chị gặp anh Nguyễn Hoa Ngân (chồng chị bây giờ) ở Binh trạm 34 đường Trường Sơn. Anh Ngân bị thương nên ra Bắc điều trị. Nghe nói có đoàn Văn công Hà Bắc đang vào Nam phục vụ bộ đội. Anh đi ra, chị đi vào. Ở nhà hai người có quen biết nhưng sao ở Trường Sơn gặp đồng hương quý thế. Anh đã đi đến đỉnh đèo mà biết chị ở dưới đèo anh Ngân đầu băng trắng xóa chạy như bay xuống:
- Ngải ơi.... ơi....
Chị ngạc nhiên không biết ai gọi mình. Bao mệt mỏi tan biến, chị chạy lên theo tiếng gọi. Lúc thấy anh, chị sững lại vì mừng. Hôm đó anh ở lại với đoàn văn công một đêm xem các chị biểu diễn rồi mai mới ra sau. Nói đến đây chị cười hồn nhiên, mắt lấp lánh như cô thiếu nữ. Ngày ấy còn không dám cầm tay nhau, cũng không dám nhìn nhau. Anh hẹn chị ngày trở về. Tình yêu người lính chỉ có vậy mà anh chị yêu nhau năm năm mới thành vợ thành chồng. Họ sống hạnh phúc viên mãn bên nhau suốt đời. Chị bảo nếu không có anh chị cũng không theo nổi nghiệp diễn viên, cũng không tham gia truyền dạy và bảo tồn quan họ như bây giờ. Phải nói rằng anh là người chồng luôn thông cảm với nghề nghiệp của vợ và tạo điều kiện cho chị đi biểu diễn, hội diễn đây đó.
Bỗng anh Ngân chồng chị ngân nga đọc bài thơ Người ơi người ở của Phạm Tiến Duật rồi giục chị kể cho tôi nghe xuất xứ bài thơ.
Ngày 29 Tết năm 1971 chị gặp Phạm Tiến Duật trong chương trình đón giao thừa. Nhà thơ trẻ Phạm Tiến Duật lúc đó đang công tác tại Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559, còn Lệ Ngải là ca sĩ trẻ của đoàn Nghệ thuật xung kích Hà Bắc, họ gặp nhau trong đêm giao thừa ở Bộ Tư lệnh 559. Trong buổi liên hoan đón năm mới. Nhà thơ Phạm Tiến Duật ngâm thơ, còn Lệ Ngải hát Quan họ. Giọng hát mượt mà sâu lắng của cô văn công trẻ đẹp đã làm nhà thơ ngưỡng mộ. Khoảng nửa tháng sau đoàn đi biểu diễn phục vụ chiến đấu thì chị bị ốm nằm ở nhà. Nhà thơ Phạm Tiến Duật sang thăm với một nắm lá méo (Loại lá rừng chua chua mà các cô văn công rất thích). Khi thấy chị ở nhà một mình Phạm Tiến Duật mời chị sang Cục Chính trị chơi. Mặc dù rất mệt nhưng trước sự ngưỡng mộ của nhà thơ và cán bộ chiến sĩ, Lệ Ngải không thể chối từ. Đến nơi chị giật mình khi thấy anh chị em trong cục Chính trị ngồi chật cả Hội trường. Mặc dù mệt nhưng trước tấm lòng của các chiến sĩ Trường Sơn, chị ngồi ở bậu cửa rồi không loa đài,  không tăng âm chị cất tiếng hát âm vang cả núi rừng cỏ cây, hoa lá. Nhờ tiếng hát của chị mà mọi người thêm yêu quê hương đất nước tự hào dân tộc, nhờ tiếng gọi “người ơi” mà tình yêu thương đồng chí, đồng đội như được nhân lên; nhờ tiếng “gọi sông, gọi núi’’ làm cho tinh thần chiến đấu như thêm sức mạnh. Cây đa bến nước con đò trong câu hát của chị làm mọi người vơi nỗi nhớ nhà…
Khi tiễn chị về, Phạm Tiến Duật có hứa sẽ làm tặng chị một bài thơ bởi khi nghe chị hát tâm hồn anh đã có sự thăng hoa của cảm xúc. Nhưng rồi chiến trường khốc liệt, lần chia tay ấy hai người không gặp lại nhau. Như đã hứa, bài thơ “Người ơi người ở” đã ra đời và được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm 1971. Mặc dù Lệ Ngải không nhận được bài thơ chép tay mà Nhà thơ đã hứa nhưng Lệ Ngải luôn coi đó là món quà vô giá. Chị nhận được tập thơ đó do anh Bốn ở Hải Phòng gửi tặng. Bài thơ “Người ơi người ở” có thể coi là một trong những bài thơ tình hay nhất của Phạm Tiến Duật (tuyển chọn vào tập Thơ tình Trường Sơn).
Mãi đến năm 2005 nhân dịp Nguyên tiêu ở thành phố Bắc Ninh khi chị lên ngâm bài thơ “Người ơi người ở’’ thì Phạm Tiến Duật (là khách mời) mang tặng chị bông hồng với nước mắt rưng rưng xúc động.
Nghỉ hưu năm 1992 nhưng với một gia tài quan họ khổng lồ nên NSƯT Lệ Ngải vẫn tiếp tục giảng dạy và truyền bá quan họ cho  các trường học, CLB. Chị dạy ở cơ quan địa chất, Cao đẳng sư phạm, cung thiếu nhi Bắc Ninh. Chị dạy ở trường VHNT Bắc Giang từ năm 2007 đến năm 2015. Dạy trường VHNT Bắc Ninh từ năm 2003 đến nay. Chị làm giám khảo cho Hội thi hát Quan họ từ 2002 đến bây giờ. Chị có vốn hàng trăm bài quan họ cổ, bất kỳ ai yêu Quan họ chị đều vui vẻ truyền dạy không kể thời gian. Cứ nói về quan họ, đôi mắt chị lại lấp lánh một niềm vui khó tả.
Hiện chị vẫn giảng dạy tại trường VHNT Bắc Ninh với mỗi kỳ 200 tiết bao gồm dạy hát quan họ, hát đối đáp, văn hóa quan họ, tổ chức canh hát từ năm 2003 đến nay.
Chia tay tôi với bài quan họ mời trầu: Mấy khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà mời người xơi
Chúng tôi dùng dằng chia tay với một lời hẹn: Cùng bạn bè đến để chị dạy hát quan họ.

Nguyễn Tuấn Vũ