Đất chẳng phụ công người

18/12/2018 15:07 Số lượt xem: 1130
Cách đây ít ngày, chúng tôi về thăm mô hình kinh tế trang trại của CCB Đàm Thuận Tình, ở xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn. Trên khoảnh đất rộng gần 2ha, khu trang trại nổi bật giữa cánh đồng với màu xanh của cây ăn trái, màu vàng của những thửa nếp cái hoa vàng sắp vào vụ gặt.

Trang trại của CCB Đàm Thuận Tình ngày càng hoàn thiện và phát triển.
 

Dẫn chúng tôi thăm trang trại, tới một khoảng ao rộng, trên bờ là những hàng cây chuối, đu đủ… đang lên xanh tốt, anh Tình phấn khởi cho biết, hiện trang trại đang thả 500 con vịt đẻ siêu trứng, trừ chi phí mỗi năm cũng lãi trên dưới 20 triệu. Ở góc vườn là khu chăn nuôi gà thịt, với 500 con, mỗi năm hai lứa cho thu nhập tương đối ổn định, khoảng 140 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với 3000m2 đất vườn, anh Tình trồng 200 khóm chuối, 300 cây đu đủ, hiện đã cho thu hoạch. Chỉ tính riêng đu đủ, mỗi năm anh đã có trên 3 tấn quả, bán được trên 30 triệu đồng. Với 4 mẫu đất còn lại, mỗi năm anh Tình cấy một vụ lúa tẻ và một vụ lúa nếp cái hoa vàng. Ngoài công làm đất do máy cày của gia đình chủ động, trừ chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và công cấy, công gặt… gia đình anh cũng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Anh Tình chia sẻ: Để có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt tới 300 - 350 triệu đồng một năm như hiện nay là cả một quá trình phấn đấu, lao động không mệt mỏi. Chỉ với 5 sào ruộng của gia đình, để phát triển thành mấy ha đất canh tác như hiện nay, anh đã phải nói khó với bà con cho mượn số diện tích bỏ hoang để tăng gia sản xuất. Nhiều người bảo anh, thời buổi này chỉ có “hâm” mới “lao vào” sản xuất nông nghiệp, trong khi không ít người phải bỏ ruộng tìm công việc nhẹ nhàng hơn, thu nhập cũng cao hơn. Thế nhưng đã quyết là làm, Đàm Thuận Tình động viên vợ và cho rằng: “Nếu đầu tư đúng mức với số diện tích lớn, lại tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chắc chắn sẽ thành công. Hơn nữa, ngày ngày nhìn những thửa ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc thì phí, tiếc lắm. Nếu có niềm tin và quyết tâm cao, không ngại khó khăn vất vả chắc chắn đất sẽ chẳng phụ công người...”. Tuy nhiên, khi vợ chồng anh bắt tay vào phục hóa hàng chục nghìn m2 ruộng bỏ hoang đã nhiều năm, cỏ mọc cao đến nửa người tưởng đã phải bỏ cuộc. Rồi khoanh vùng, đào mương dẫn, ao chứa nước, rồi đắp bờ, tôn ruộng cao lên để làm vườn… đã tốn của vợ chồng anh biết bao công sức. Có vườn, có ruộng rồi nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cũng là bài toán khó. Sau nhiều ngày trăn trở tìm hướng đi thích hợp, lại được chính quyền địa phương và bà con ủng hộ, trang trại của gia đình anh đã hình thành và ngày càng phát triển.
Được biết, sau gần 3 năm cầm súng bảo vệ vùng biên cương phía Bắc, được xuất ngũ trở về địa phương và xây dựng gia đình, Đàm Thuận Tình đã từng mở xưởng gỗ, rồi mua xe ô tô vận tải, sau lại chuyển sang mua máy cày về cày thuê cho bà con trong xã… “Những việc ấy không phải là không kiếm ra tiền, nhưng đồng tiền ấy chỉ là miếng mỡ nổi, nay có mai không, nhiều khi chưa ráo mồ hôi đã hết. Thế là vợ chồng quyết định quay về làm nông nghiệp. Với mình, chỉ có làm nông nghiệp mới khá lên được. Và có lẽ, con người mình nó thích hợp với đồng ruộng, nên mình sẽ quyết tâm gắn bó, đi lên từ đồng ruộng. Vẫn biết, gắn bó với đồng ruộng là gắn với nắng mưa vất vả,  để rồi “ba tháng trông cây, một ngày trông quả”, với đủ thứ lo về thời tiết, sâu bệnh, rồi giá cả thị trường… Là ăn không ngon, ngủ không yên với đàn vịt, đàn gà và những thửa lúa từ khi vừa cắm cây mạ xuống...” - Đàm Thuận Tình chia sẻ.
Và hôm nay “đất đã chẳng phụ công người”, thu nhập vài trăm triệu đồng một năm tuy chưa lớn so với nhiều người, nhưng đó là thành quả rất đáng trân trọng của người nông dân, CCB đã biết vươn lên, bằng sức lực, trí tuệ và niềm tin của mình để phát triển kinh tế và tiến tới làm giàu. Anh cho biết, sắp tới sẽ mượn hoặc mua thêm ruộng bỏ hoang của bà con để tăng diện tích cấy lúa, nuôi thêm đàn lợn để tạo nguồn phân chăm sóc cây trồng. Anh cũng mong Nhà nước và chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách hợp lý hơn nữa để hỗ trợ nông dân, hoàn chỉnh quy hoạch đất đai để yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Chi, Chủ tịch Hội CCB xã Hương Mạc cho biết: “CCB Đàm Thuận Tình là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, tận dụng đất bỏ hoang để sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn tích cực tham gia công tác xã hội, được UBND xã Hương Mạc tặng giấy khen và Chi hội CCB đề nghị cấp trên khen thưởng. Gia đình anh nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Hoàng Ngọc Bính