Đào tạo nguồn nhân lực làng nghề

03/03/2020 20:00 Số lượt xem: 2243
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - PTNT, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các sản phẩm làng nghề cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.

Tại Bắc Ninh có khoảng 30 làng nghề, gồm 21 làng nghề truyền thống hoạt động tại 41 thôn, làng, khu phố; 9 làng nghề mới hoạt động tại 24 thôn, làng, khu phố và hàng chục địa phương khác có hoạt động của các nghề đang làm thủ tục xét công nhận làng nghề trong thời gian tới. 
Thực tế cho thấy, làng nghề không chỉ là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền; huy động được nguồn lực của người dân ở khu vực nông thôn, mang lại hiệu quả và giá trị về kinh tế cho nhiều hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp mà còn là nơi lưu giữ những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống và bộ mặt khu vực nông thôn. Phát triển làng nghề là những biện pháp cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH, sản xuất hàng hoá, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp và còn là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa.

 

Làng nghề mây, tre đan Xuân Hội (Tiên Du) đang có sự phát triển.


Hiện nay, công nghệ sản xuất và trình độ quản lý, tay nghề của người lao động tại khu vực làng nghề cả nước nói chung, Bắc Ninh nói riêng phát triển còn chậm. Nhiều hợp tác xã, chủ doanh nghiệp cho biết, khó khăn nhất là đào tạo lao động có nghề, yêu nghề, sống với nghề. Trong các làng nghề truyền thống vai trò của các nghệ nhân là hết sức quan trọng, được coi là nòng cốt của quá trình sản xuất và sáng tạo. Nhiều nghệ nhân đã truyền nghề cho những lao động trong gia đình, họ hàng, người yêu nghề đạt kết quả tốt. 
Bên cạnh việc truyền nghề tại nơi sản xuất, cần song hành đào tạo tập trung. Ông Trần Văn Hiện, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Trung tâm đang phối hợp với địa phương, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu học nghề, xây dựng chương trình chuẩn về giáo trình, giáo cụ thực hành, kết hợp dạy nghề và khởi nghiệp, hình thành lớp học từ 20 người trở lên cùng nhau thành lập HTX, tổ hợp tác có sự giúp đỡ của chính quyền về thủ tục thành lập và điều kiện sản xuất như góp vốn, cho vay bao tiêu sản phẩm, bán thành phẩm; phối hợp với các trường nghề đào tạo theo nhu cầu các doanh nghiệp giúp học viên có việc làm ngay sau khi đào tạo. 
Hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ hình thức truyền nghề, các dự án khuyến công, đào tạo nghề ngắn hạn ở nông thôn cần có đội ngũ thợ, nghệ nhân được bồi dưỡng kiến thức sư phạm miễn phí, biên soạn tài liệu, dạy nghề, truyền nghề được hỗ trợ theo chế độ của giảng viên, được thu học phí. Trung tâm khuyến công cần tổng hợp và công khai danh sách, địa chỉ các nghệ nhân, thợ lành nghề, giảng viên theo nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để học viên, hợp tác xã, doanh nghiệp, khách hàng chủ động tiếp cận. Đó cũng là cách tôn vinh nghề, quảng bá nghề truyền thống hiệu quả, thiết thực.

Bài, ảnh: Hoàng Mai