Đằng sau cánh cửa

22/03/2019 08:30 Số lượt xem: 213
Em mua hoa về cắm trong bình

Ai biết được đằng sau cánh cửa

Chồng đau ốm, đàn con suy dinh dưỡng
Đàn chó chạy kiếm mồi quên nhiệm vụ
Những con chim cắt lưỡi nuôi thân đã rụng xuống chùm lông không tố chất
Nhưng chiều chiều em vẫn cứ mua hoa
Em chải chuốt ra đường cho thêm duyên phố xá
Em bỏ quên điểu gì sau cánh cửa
Hay em cố quên cánh cửa kia rồi?
Tờ lịch cũ nhìn tôi ái ngại
Những bông hoa lặng lẽ khóc thầm
Tôi hoảng sợ đằng sau cánh cửa
Mỗi sợi tóc đàn bà mang một lá bùa mê.
 
Lời bình:
Người ta vẫn gọi đàn bà là nội tướng, “vương quốc” của họ chính là ở đằng sau cánh cửa. Nhưng ở đây đã có sự đảo ngược. Người đàn bà không hề chú ý đến đằng sau cánh cửa của nhà mình: chồng đau con yếu, gia cảnh sa sút, quẫn bách, hại tàn đến những con vật nuôi thân thiết như con chó, con chim...
Nhưng chiều chiều em vẫn cứ mua hoa
Em chải chuốt ra đường cho thêm duyên phố xá

Chắc chắn người vợ kia, người mẹ kia - người thiếu phụ hẳn còn xuân sắc kia đang mê lẫn trong một thứ tình cảm mới nào đó. Niềm vui đang lôi cuốn chị đã khiến chị như công khai hành xử độc ác. Đáng lẽ là một biểu hiện dễ thương, ấm êm của hạnh phúc gia đình, nhưng trước một gia cảnh nguy khốn như thế mà “Em mua hoa về cắm trong bình”, thì thật còn trên cả một sự vô tâm. Người chổng tuy vẫn có sự níu giữ của tình cảm nhưng đã không thể không nhận ra dấu hiệu chớp báo của tan vỡ:
Em bỏ quên điều gì sau cánh cửa
Hay em cố quên cánh cửa kia rồi?

Hỏi để mà hỏi thế thôi, thực tế anh và các con đã được trả lời!
“Tờ lịch cũ nhìn tôi ái ngại” là câu thơ vạch một đường ranh giới ác nghiệt: Hạnh phúc của gia đình chỉ còn là quá khứ, một tờ lịch cũ bụi bặm, xuống màu. Hệ quả đã rõ ràng trước mắt: Những bông hoa lặng lẽ khóc thầm. Vâng, cay đắng mà khóc thầm thôi, chính những bông hoa người vợ mua về trang trí đó đã không thể đau lòng mà giả vờ hớn hở, thắm tươi. Xuất hiện ở câu mở đầu đoạn một, nhởn nhơ sang câu mở đầu đoạn hai, tới đoạn thơ thứ ba những bông hoa không thể còn cầm lòng... cả một gia đình đã sụp đổ!
Anh chồng vốn yêu vợ, biết rõ “sức mạnh” của người đàn bà còn trẻ ấy... Nên chợt bắt gặp một sợi tóc của vợ còn vương lại trên bàn chẳng hạn, anh đã “hoảng sợ đằng sau cánh cửa” thốt phóng lên một câu triết lý lẫn cẫn: “Mỗi sợi tóc đàn bà mang một lá bùa mê”. Nghe thật bi kịch với anh, nhưng quả có hơi bi hài với bạn đọc. Bạn thơ Trịnh Văn có thể nói đã thành công khi dựng nhanh bằng thơ một tấn bi kịch xã hội gây được hiệu quả thẩm mỹ như thế. Người đọc tự thấy mình cũng dường như có lỗi khi mỉm cười nghe người chồng yếu thế kia hoảng hốt sợ thốt phóng lên ở cuối “màn” thơ. Quả là vở bi kịch ngắn, tới đó đã đóng màn. Nhưng đáy lòng chúng ta lại mở ra biết bao câu hỏi. Về sự “lên đời” của một số bộ phận, xã hội và tự tụt xuống khá nhanh của nhiều giá trị vốn thiêng liêng với con người. Trong đó có tình yêu, tổ ấm gia đình. Và nếu mỗi gia đình - tế bào tạo nên hạnh phúc bền chặt của cả cộng đồng cứ dần dần tan vỡ?... Nếu mỗi người cha (hay người mẹ) cứ đuổi theo những lá bùa mê, mặc xác những gì ở đằng sau cánh cửa... Thì sao?
Trúc Thông (Chọn và giới thiệu)