Đảng bộ Gia Bình đổi mới phương thức lãnh đạo

19/12/2018 08:46 Số lượt xem: 1450
Những năm qua, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Đảng bộ huyện Gia Bình đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội địa phương.

Bộ mặt nông thôn mới Gia Bình hôm nay.

Từ một vùng đất nghèo khó, sau nhiều năm nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết của người dân địa phương, thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú có nhiều đổi thay. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, 100% các tuyến đường ngõ, xóm được bê tông hóa; tỉ lệ gia đình có đời sống khá, giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể; hằng năm, hơn 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa... Có được kết quả đó là nhờ Chi bộ thôn Đổng Lâm đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đồng chí Hoàng Văn Hà, Chi ủy viên, Trưởng thôn Đổng Lâm cho biết: “Những năm qua, chi bộ thôn Đổng Lâm tăng cường và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm, các chủ trương, nghị quyết của Đảng đều được quán triệt kịp thời đến cán bộ, đảng viên. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nổi bật trong xây dựng Nông thôn mới của Đổng Lâm là huy động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa. Vừa qua để xây dựng Nhà văn hóa thôn, địa phương huy động nhân dân tham gia ủng hộ 600 nghìn đồng/khẩu”.
Đồng chí Nguyễn Văn Luân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Phú cho biết, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương, Đảng ủy xã xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn, từng năm, từ đó đề ra nghị quyết, giải pháp thực hiện phù hợp; lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ thực hiện cụ thể hóa nghị quyết bằng những giải pháp sát thực tiễn ở từng địa phương. Cụ thể  như: Nghị quyết về tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích gieo trồng các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao; Nghị quyết về xây dựng Nông thôn mới;... “Đây là những Nghị quyết xuất phát từ yêu cầu từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của nhân dân, do đó đã tạo sự đồng thuận cao trong ý chí và hành động, mở ra hướng đi tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân”- đồng chí Nguyễn Văn Luân khẳng định.
Đảng bộ xã Đông Cứu hiện có 217 đảng viên, sinh hoạt ở 9 Chi bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Toa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Cứu cho biết: Nếu trước đây, các nghị quyết của Đảng bộ còn chung chung, chưa bám sát thực tiễn, hiệu quả thực hiện chưa cao, thì đến nay, sau khi quán triệt văn bản chỉ đạo trực tiếp Ban Thường vụ Huyện ủy về việc cụ thể hóa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, Đảng bộ xã Đông Cứu đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực phát triển KT-XH, đặc biệt trong công tác xây dựng tổ chức Đảng. 100% cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm, phẩm chất tư tưởng, chính trị vững vàng, đạo đức tốt; luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến, giúp nhân dân tháo gỡ những khó khăn ngay từ cơ sở; nhiều năm liền Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Thu hoạch cà rốt ở xã Cao Đức (Gia Bình).

Những năm qua, bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tiễn ở địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Bình cụ thể hóa việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là ở Đảng bộ các xã, thị trấn bằng các văn bản chỉ đạo, chương trình hành động và hướng dẫn thực hiện cụ thể của các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo Đảng bộ các xã, thị trấn xây dựng các quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, giúp tổ chức Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ năm 2016, sau khi Tỉnh ủy giải thể chi bộ cơ quan cấp xã, các đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ cơ quan các xã, thị trấn về dự sinh hoạt hằng tháng tại chi bộ nơi đảng viên cư trú, qua đó giúp cán bộ, đảng viên trong cơ quan được cọ sát với tình hình thực tế ở địa phương, áp dụng hiệu quả vào trong công việc và giúp đảng ủy xã, thị trấn nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Nhờ thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là ở Đảng bộ các xã, thị trấn huyện Gia Bình không chỉ tạo được sự chuyển biến tích cực nhận thức, hành động, nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng năm. Năm 2018, Gia Bình hoàn thành về đích xây dựng Nông thôn mới.
Để biến ước mơ thoát khỏi đói nghèo từ vùng đất trũng, vươn tới giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ Gia Bình đang nỗ lực quy tụ sức mạnh toàn dân trên tinh thần đồng tâm nhất trí, chung lưng đấu cật từ những khối óc, những bàn tay lao động. Hình ảnh một miền quê trù phú, một huyện Nông thôn mới đang dần hiện hữu là một minh chứng sống động trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Xuân Bình