Đam mê với nghề làm gốm

08/11/2018 08:43 Số lượt xem: 7253
Đến làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng (Quế Võ), nhắc đến bà Trần Thị Luận (86 tuổi) không ai không biết, vì ở độ tuổi “xưa nay hiếm” song hằng ngày bà vẫn cần mẫn làm ra những sản phẩm gốm và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Bà Trần Thị Luận (86 tuổi) đã gắn bó với nghề chuốt gốm 73 năm.

Bà Luận sinh ra và lớn lên tại làng Phù Lãng, gắn bó với nghề gốm từ khi còn nhỏ. Nối nghiệp cha ông, bà thành thạo từng khâu, làm ra sản phẩm gốm và bước “vào nghề” khi mới 13 tuổi. Lần đầu gặp bà, tôi rất ngạc nhiên, vì ở tuổi “xưa nay hiếm” không nghĩ bà còn có thể làm được gốm, bởi đây là nghề thủ công khá nặng nhọc. Mái tóc bạc trắng, đôi tay già nua, hằn những vết nhăn theo thời gian, song khi tiếp xúc với đất sét lại nhanh đến lạ kỳ. Từ thỏi đất vô tri vô giác, qua đôi bàn tay điêu luyện của bà chỉ một loáng đã ra hình thù của chiếc niêu. Bà cho biết: “Ngày xưa làm gốm kỳ công lắm, vất vả nhất là khâu làm đất. Lấy đất về phải phơi khô, sau đó đập nhỏ và cho đất ngậm nước rồi dùng chân đạp cho thật nhuyễn thì mới đạt yêu cầu. Nhưng ngày nay có máy làm đất, bàn xoay gốm bằng điện, nên giảm được nhiều công sức lao động, giúp tăng về sản lượng. Gốm sau khi được người thợ tạo hình sẽ đem phơi khô và tráng men, sau cùng là nung gốm. Đây là công đoạn quan trọng nhất để quyết định chất lượng của sản phẩm, gốm phải được nung bằng củi liên tục trong ba ngày ba đêm thì mới chín đều. Sản phẩm gốm đạt yêu cầu phải có màu sành nâu hoặc da lươn truyền thống”.
Anh Trần Văn Bình con trai cả và cũng là người nối nghiệp bà, cho biết: “Hiện xưởng gốm của gia đình hoạt động rất hiệu quả, diện tích nhà xưởng trên 300 m2 đã giải quyết nhu cầu việc làm cho 8 lao động trong làng với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng”.
Vì niềm đam mê giữ nghề truyền thống những hôm trái gió trở trời xương khớp đau nhức, con cháu muốn bà dành thời gian nghỉ ngơi thì bà Luận chỉ mong sao mau khỏi để còn tiếp tục làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội.
Bà Luận hồi tưởng: “Đã có một thời làng gốm Phù Lãng gần như đứng bên bờ vực thẳm. Các sản phẩm gốm làm ra không bán được do không có sức cạnh tranh với: đồ nhựa, đồ nhôm, gốm sứ từ Trung Quốc. Nhưng với lòng đam mê muốn gìn giữ nghề, làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường nên tôi quyết tâm không bỏ và mong muốn một ngày nào đó làng gốm sẽ hồi sinh. Đến nay tôi rất vui và mãn nguyện, vì bên cạnh những người già cố gắng bám trụ để giữ nghề như chúng tôi, thì lớp trẻ của làng đã có ý thức phát triển nghề lên một tầm cao mới.
Theo anh Nguyễn Đức Thịnh, một nghệ nhân trẻ của làng cho biết: “Từ những năm 2000 các nghệ nhân, họa sĩ trẻ trong làng đã bắt đầu ứng dụng nghệ thuật vào gốm, tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao như: Lọ lục bình, cây đèn trang trí, tranh gốm, gạch giả cổ… đã giúp gốm Phù Lãng chuyển mình và vươn xa không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài”.
Gửi lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ, bà Luận mong thế hệ trẻ mãi phát huy tinh thần học hỏi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm chất lượng mang tính thẩm mỹ cao giúp gốm Phù Lãng ngày càng phát triển, có vị thế đặc biệt trên thị trường.   

Nguyễn Quân