Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Cần quy định cho phép TCTD được triển khai các hệ thống công nghệ số hóa và cung ứng dịch vụ ngân hàng số

05/06/2023 20:46 Số lượt xem: 868
Trong phiên thảo luận ở Tổ 13, chiều 5-6, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng:

Trong phần quy định về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, nội dung hoạt động ngân hàng, Luật các TCTD hiện tại và dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) chưa làm rõ và tách bạch được một cách rõ ràng các hoạt động dịch vụ gồm: thanh toán không qua tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt; các dịch vụ thu hộ, chi hộ, trung gian thanh toán, hỗ trợ thanh toán, phương tiện thanh toán, phương tiện thanh toán số, phương tiện, hình thức thanh toán mới như tài khoản viễn thông thanh toán (Mobile Money), tải sản số, tiền số, các NFTs, tài khoản/vouchers/coins tích điểm khuyến mại sử dụng để thanh toán; dịch vụ về tư vấn tài chính, tư vấn quản lý gia sản, quản lý tài sản; cho vay thường xuyên và không thường xuyên, huy động vốn, cho vay ngang hàng, cho vay, huy động vốn qua công nghệ tài chính; mua, bán, vay mượn tài sản là chứng khoán, giấy tờ có giá; công nghệ tài chính (fintech) và dịch vụ công nghệ tài chính; kinh doanh vàng vật chất, kinh doanh vàng tài khoản/phái sinh hàng hóa vàng, hedging…Nhiều giao dịch trên các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đang thực hiện trong xã hội thì loại giao dịch nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các TCTD còn các hoạt động nào thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo tham gia thảo luận ở Tổ, chiều 5-6.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, dự thảo cần làm rõ các vấn đề trên tại Điều 1, 2 để phân định được rõ không chỉ khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể xã hội tuân thủ mà còn phân định rõ cơ sở pháp lý để Chính phủ, NHNN hay cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm kiểm soát, điều tiết và xây dựng hệ thống văn bản pháp quy cho các lĩnh vực trên. Hiện tại Việt Nam đang không có khung pháp lý hoặc không rõ ràng về khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề trên và điều đó có thể phát sinh các hậu quả đổ vỡ, tổn thất khó lường cho xã hội. Vấn đề xác định lại phạm vi và hoạt động này trong Luật (cụ thể tại Điều 98) cũng giúp làm rõ cơ sở pháp lý cho các TCTD được thực hiện cung ứng các dịch vụ, hoạt động kinh doanh nói trên một cách hợp pháp.

Luật chuyên ngành (như Luật Chứng khoán) đã có các quy định các ngân hàng thương mại được làm hoặc chỉ các ngân hàng thương mại, với vai trò là các định chế tài chính quan trọng, có đủ năng lực được làm và thậm chí được làm với tư cách là các định chế tạo lập, dẫn dắt thị trường cả trong thị trường cơ sở và thị trường phái sinh đối với một số hoạt động như: ngân hàng thanh toán, ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký; thành viên bù trừ, thành viên giao dịch đặc biệt của thị trường và VSD; nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu Chính phủ; bên bảo lãnh phát hành chứng khoán; đại diện người sở hữu trái phiếu, công cụ nợ, đại lý quản lý và xử lý tài sản bảo đảm cho các đợt phát hành trái phiếu, công cụ nợ trên thị trường… Các quy định của Dự thảo hiện tại hoặc không quy định, không quy định rõ ràng hoặc quy định hạn chế lại những gì các ngân hàng thương mại được làm trong các nghiệp vụ đặc thù nói trên của pháp luật về chứng khoán. Như vậy, trước hết không đảm bảo tính thống nhất của Luật Các TCTD với hệ thống luật chung và có các tác động tiêu cực, hạn chế việc các ngân hàng thương mại được cung ứng dịch vụ, tham gia các giao dịch trên thị trường vốn, thị trường tài chính, sẽ gián tiếp tác động tiêu cực đến sự phát triển của các thị trường này, gây khó khăn cho các giao dịch vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vì vậy, kiến nghị Dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ các vấn đề trên (tại Điều 98 hoặc Điều 105) tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD được thực hiện dịch vụ và giao dịch liên quan nói trên đầy đủ và hợp pháp.

Về vấn đề số hóa, cung ứng dịch vụ, sản phẩm ngân hàng số, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu số hóa sản phẩm, dịch vụ, cách thức cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng số do các quy định đang được viết theo hướng đưa các quy trình giấy hiện tại lên phương thức online/điện tử, không phù hợp với công nghệ và số hóa. Ví dụ: Điều 193 Dự thảo quy định TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh phương án vay vốn, trả nợ…, phân định trách nhiệm khâu thẩm định và cấp tín dụng... Nếu thực hiện số hóa, việc thu thập dữ liệu dựa trên công nghệ Bigdata từ mọi nguồn có được trên các hệ thống dữ liệu có sẵn và TCTD không nhất thiết phải lấy từ khách hàng, việc phân tích rủi ro, khả năng trả nợ/ vỡ nợ của khách hàng và đưa ra quyết định cho vay có thể hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán và mô hình tài chính tự động tiên tiến mà không cần hoặc cần rất ít sự can thiệp của con người.

Cách giải quyết hiện tại của Dự thảo thì hoặc là yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc theo theo quyết định và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước thực chất sẽ dựa đến việc TCTD không thể triển khai số hóa dịch vụ ngân hàng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn được vì Luật Giao dịch diện tử hiện tại không phải là khung pháp lý phù hợp cho sản phẩm dịch vụ ngân hàng số. Rõ ràng, hiện tại NHNN chưa có dự thảo các hướng dẫn và thủ tục hành chính về việc NHNN sẽ cấp phép phê duyệt các sản phẩm dịch vụ, cung ứng ngân hàng số (mà theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL nếu luật có các điều quy định Chính phủ hay NHNN ban hành hướng dẫn thì đi kèm dự luật trình phải có dự thảo các văn bản này) và hiện cũng không rõ khi nào NHNN có thể ban hành được các hướng dẫn này để TCTD có thể thực hiện được. Với các quy định như hiện tại, thực chất luật sẽ cấm, cản trở quá trình số hóa sản phẩm dịch vụ, cung ứng dịch vụ số của TCTD. Vì vậy, dự thảo Luật cần có các quy định rõ ràng cho phép TCTD được triển khai các hệ thống công nghệ số hóa và cung ứng dịch vụ ngân hàng số để tạo lập cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo góp ý nhiều nội dung để hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật về: Giới hạn sở hữu vốn (Điều 55), không đồng thời đảm nhiệm chức vụ (Điều 34), vấn đề người liên quan (Điều 4), giảm giới hạn tối đa cho vay trên một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan (Điều 127); vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Thanh Hương