Đặc sắc “Cơm Quan họ”

19/10/2018 09:18 Số lượt xem: 2318
Không giống với các loại hình dân ca khác, Quan họ là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp gồm 5 mặt hoạt động: Tục kết bạn Quan họ, Văn hóa hành vi Quan họ, Dân ca Quan họ, Lễ hội Quan họ và Văn hóa tín ngưỡng Quan họ. Mỗi mặt lại có những quy định riêng, lề lối bắt buộc. Mời bạn xơi “cơm Quan họ” là một trong những biểu hiện cụ thể của Văn hóa hành vi Quan họ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, làng Viêm Xá mô phỏng lại “cơm Quan họ” tại Bảo tàng tỉnh.

 

Chúng tôi có dịp dự canh hát Quan họ cổ giữa hai làng Hoài Thị (Liên Bão, Tiên Du), Viêm Xá (Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) và vinh dự được mời “cơm Quan họ”. Bữa “cơm Quan họ” giữa liền anh, liền chị hai làng được diễn ra đầm ấm, tình cảm tại nhà riêng của Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Thị Nguyễn Sỹ Yên. Làng Hoài Thị xưa gọi là Bựu Sim và làng Viêm Xá kết chạ với nhau đã vài trăm năm. Tiếp nối truyền thống ấy, đến nay bọn Quan họ thế hệ trẻ hai làng vẫn giữ được tình cảm bền chặt, mỗi khi gia đình thành viên Quan họ 2 làng có việc vui, hay trước buổi hát canh vào các dịp hội xuân, Quan họ Hoài Thị và Viêm Xá đều mời bạn đến chơi và dùng “cơm Quan họ”. Xưa kia, cơm Quan họ hai làng bao giờ cũng phải là “mâm đan, bát đàn” nghĩa là mâm tròn bằng gỗ, sơn đỏ, bát tiện bằng gỗ cây bạch đàn. Các món ăn bắt buộc phải có 2 đĩa giò lụa, 1 đĩa thịt gà, ngoài ra là các thức ăn khác tuỳ theo phong tục riêng của từng làng. Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Thị Thềm, làng Viêm Xá cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được đi cùng ông, bà, bố, mẹ dự hát canh Quan họ và xơi “cơm Quan họ”. Quy trình bữa ăn cũng hết sức cầu kỳ, tế nhị. Đầu tiên, các thành viên trong bọn Quan họ chủ lần lượt có lời mời khách ăn, từ ông, bà trùm, tới anh Hai, anh Ba, chị Hai, chị Ba... Những câu mời cũng rất mượt mà, tình tứ như: “Năm mới, tháng xuân, đương Quan họ liền anh, liền chị không chê làng nước chúng em nghèo mà sang chơi. Chúng em sắm bữa cơm quê, gọi là mâm đan, bát đàn, đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa, xin mời đương Quan họ người nâng bát, nâng đĩa xơi thật nhiệt tình cho chúng em mừng ạ!”.
Ngày nay “cơm Quan họ” giữa hai làng Hoài Thị và Viêm Xá không còn trải qua các quy định lề lối xưa nhưng sự thể hiện cái tình trong bữa ăn không thay đổi. Được chứng kiến bữa “cơm Quan họ” hai làng, mới thấy Quan họ quý trọng bạn đến nhường nào. Những ca từ mượt mà của Quan họ chủ Hoài Thị mời bạn: “Tay tiên chuốc chén rượu đào/Đổ đi thì tiếc, uống vào thì say/Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng/Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau…” như chất kết dính tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai làng. Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Thị, Nguyễn Sỹ Yên chia sẻ: “Trong bữa ăn, liền anh, liền chị hai làng cùng ca Quan họ thể hiện tình cảm, sự trân trọng đối với nhau, giao tiếp luôn lịch thiệp, tao nhã bằng câu nói vừa thật thà, dân dã vừa giàu chất văn chương, thi ca. Theo các cụ kể lại, trước kia, trong bữa, khách ăn trước, chủ ngồi cạnh ca cho khách nghe. Thi thoảng, lại sang tiếp thức ăn và mời khách bằng những lời ca Quan họ. Khách xơi cơm xong, chủ mới ngồi vào mâm của mình, đến lượt khách ngồi cạnh ca cho chủ nghe. Mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc có chung đặc điểm là 3 tầng, đều được bày trên “mâm đan, bát đàn” nhưng mỗi làng lại có những món ăn đặc trưng, riêng biệt và tầng trên cùng thường dành để bày những món ăn riêng của làng mình.
Dùng “cơm Quan họ” xong, Quan họ chủ và khách bước vào buổi hát canh đến quá nửa đêm và thường mời nhau tiệc nước, tiệc ngọt. “Tiệc nước” thường là các loại quả và đặc biệt là các món đặc sản của địa phương như “tiệc nước” của Viêm Xá bao giờ cũng có: Bánh rợm, bánh khúc, chè đỗ đãi... Sau đó lại tiếp tục cuộc “Du ca Quan họ”, “ca cho tàn canh, mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày” mới nghỉ.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại nhưng mỗi làng đều có những món ăn đặc trưng riêng để tiếp bạn, bữa “cơm Quan họ” vẫn gìn giữ được nét đẹp xưa qua hành vi văn hóa ứng xử, sự tao nhã, lịch thiệp giữa các liền anh, liền chị trong bữa ăn.

Thạch Thảo