“5 không” để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

13/03/2019 08:06 Số lượt xem: 4540
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù công tác phòng, chống dịch tại chỗ được các địa phương thực hiện khá bài bản song nguy cơ lây nhiễm bệnh ở đàn lợn vẫn cao, xâm nhập theo nhiều nguồn, nhiều đường khác nhau. Khả năng ASF sẽ còn tiếp tục lan rộng bởi cơ chế “sống dai dẳng” của virus gây dịch ngoài môi trường. Không ít chủ trang trại bày tỏ lo ngại, virus dịch ASF có thể tồn tại trong thức ăn chăn nuôi hoặc lây nhiễm từ chuột và chim trời, song hiện chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để các mối nguy này và nó đang trở thành nỗi lo thường trực của người chăn nuôi.

 Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng vi rút dịch ASF xâm nhập vào đàn lợn.

 

Bắc Ninh hiện có tổng đàn lợn đạt hơn 400.000 con; đàn trâu, bò: 32.055 con; đàn gia cầm: 5,4 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 93.475 tấn, trong đó thịt lợn 73.167 tấn. Phương thức chăn nuôi chuyển biến rõ nét, từ chăn nuôi quy mô hộ chuyển sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi. Hiện toàn tỉnh có hơn một nghìn trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 153 trang trại (doanh nghiệp) chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, công nghệ chăn nuôi được người dân tích cực áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Hệ thống sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển và đa dạng về chủng loại, chất lượng đáp ứng nhu cầu không những trong tỉnh mà còn đáp ứng phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô và phương thức chăn nuôi hiện đại, nhưng trong tỉnh hiện vẫn cơ bản là chăn nuôi nhỏ lẻ, đan xen trong các khu dân cư, không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến. Toàn tỉnh có 752 cơ sở, điểm giết mổ lợn, song hầu hết các điểm giết mổ được thực hiện tại hộ chăn nuôi. Việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Hơn nữa thời điểm này, thời tiết tại các tỉnh phía Bắc biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan, trong khi hiện nay chưa có vắcxin và thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi… dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và phát sinh dịch bệnh nhanh. Một số hộ, cơ sở kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật còn chưa chấp hành nghiêm chỉnh về việc khai báo kiểm dịch với cơ quan thú y nên công tác kiểm dịch vận chuyển gặp nhiều khó khăn... Mặt khác vi rút dịch ASF chỉ lây nhiễm từ lợn bệnh sang lợn khỏe, không lây sang con người, do đó, một bộ phận người chăn nuôi còn xem nhẹ dịch bệnh và có tâm lý giấu dịch. Khi lợn nhiễm bệnh, họ vẫn bán ra thị trường làm cho mầm bệnh lây lan nhanh chóng.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 về phòng chống bệnh dịch tả châu Phi, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Bắc Ninh tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra nhanh dịch tả lợn Châu Phi tại các cơ sở giết mổ tập trung. Duy trì hoạt động của 2 đội kiểm dịch cơ động liên ngành và xem xét cho phép thành lập chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông của tỉnh để ứng phó các tình huống xảy ra. Chủ tịch UBND tỉnh ra Chỉ thị số 04  ngày 5-3-2019 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện.
Dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng vì lây lan rất nhanh và hiện không có vắc xin phòng bệnh, nếu không quyết liệt ngăn chặn ngành chăn nuôi sẽ thiệt hại rất lớn. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Các ổ dịch tả lợn châu Phi thường xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu dịch lan tràn vào các cơ sở chăn nuôi lớn, quy mô hiện đại thì sẽ gây thiệt hại lớn. Bởi vậy, cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm “phòng là chính”, trong đó cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ngành Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán giết mổ lợn thực hiện 5 không theo đúng quy định của Luật Thú y: “Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.
Các ngành chức năng, các địa phương cùng với ngành Nông nghiệp siết chặt công tác quản lý, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và chốt kiểm dịch liên ngành, nhằm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh. Thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật trước và sau khi giết mổ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thái Uyên