Người viết sử bằng văn

03/02/2023 21:09 Số lượt xem: 1242
Tất tả với những việc có tên lẫn không tên ngày áp tết, một cảm giác nhẹ nhõm và vui lây khi tôi nhận được món quà lì xì đặc biệt vào trưa 28 tháng Chạp, đó là cuốn sách “Chuyện làng tôi” - NXB Phụ nữ Việt Nam, tháng 1-2023. Người tặng là tác giả Cao Văn Hà. Nói vui lây vì khi cuốn sách mới dạng bản thảo, người viết đã gửi tôi đọc, góp ý. Tôi đọc rất kỹ các bài viết của ông và có cảm nhận tác giả giống như người viết sử bằng… văn!

Tác giả Cao Văn Hà  (trái) tặng tác giả bài viết cuốn “Chuyện làng tôi”.


Nhưng cũng phải nói thêm, sử đây là sử làng và làng đây là làng Đông Thái, một ngôi làng có số phận đặc biệt với những dòng họ đặc biệt tạo nên những con người có tính cách cũng rất đặc biệt trong đó có ông Cao Văn Hà, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, người sáng lập Mô hình khuyến học mới và là Chủ tịch danh dự Quỹ “Ước mơ lớn” xã Đông Tiến, huyện Yên Phong.
Hơi hiếm một cựu Giám đốc Sở vốn là dân kỹ thuật xịn, một kiến trúc sư nhưng lại rất mê văn thơ và nặng lòng với khuyến học quê hương. Tôi có cảm nhận, làng Đông Thái quê ông, ngôi làng bên dòng sông Cầu huyền thoại với một số phận đặc biệt chính là nguồn cảm hứng để ngòi bút ông thăng hoa mỗi khi nhắc đến, mỗi khi nhớ về…
Tôi cũng cảm nhận ông - người con của dòng họ Cao thôn Đông Thái lúc nào cũng đau đáu, nặng tình với quê hương, với dòng sông Cầu huyền thoại, dòng sông đã ôm ấp, chở che bao phận người Nội Rối vốn tha hương cầu thực từ vùng chiêm khê mùa thối vùng đồng trũng Hà Nam, phiêu dạt đến đây từ hơn 2 thế kỷ trước. Phải đến tháng 8-1945, khi cách mạng thành công, ơn Đảng và Bác Hồ, ngôi làng tạm của đám người di cư khi xưa ấy mới có địa vị pháp lý và cái tên thật ý nghĩa: Đông Thái - tức đông đúc và thái bình.
Tri ân dòng sông Cầu, trong bài thơ “Sông Cầu ơi” thi sĩ Cao Văn Hà hẳn đã rưng rưng khi đặt bút viết:
Sông Cầu ơi!/Sông có tự bao giờ mà tình xanh đến thế?/Mà lưng cong ôm chặt đất chẳng rời/Sông với người, chuyện kể mãi không vơi…
Ông Hà muốn nhận việc khó về mình và muốn làm được nhiều việc trọng cho quê hương Đông Thái nói riêng và Đông Tiến nói chung, bởi ông là người con dòng họ Cao, 1 trong 2 dòng họ có công lớn, nòng cốt trong chọn đất lập làng và phát triển làng. Ngày nay, nhắc đến Đông Thái người ta thường nhắc đến 2 dòng họ trụ cột là Trương - Cao nhị tộc. Trong quá trình cộng sinh, người của 2 dòng họ cứ gắn kết bởi những mối nhân duyên giữa trai họ này với gái họ kia, thành người một nhà.
Ông Cao Văn Hà may mắn có một tuổi thơ thật phong phú ở làng Đông Thái. Trải nghiệm tuổi thơ cùng kiến thức được trang bị từ sách vở và thực tiễn mấy chục năm công tác khiến ông càng yêu thương, đau đáu với miền quê Đông Thái, như chính lời bộc bạch của ông trong một ca khúc “Khi ta bé ta ở trong làng, nay về già làng ở trong ta”…
Nặng tình với quê hương, trong bút ký “Làng tôi”, ngòi bút của tác giả Cao Văn Hà chắc cũng run run khi bật ra những dòng sau:
“Làng tôi là một ngôi làng ven sông Cầu, nơi có bến phà Đông Xuyên. Nhìn từ trên cao, sông Cầu ôm trọn làng tôi vào lòng, tạo thành một dải xanh mềm mại. Người ta bảo, làng ở vào khúc lõm dòng sông là thế “tụ thủy”. Chả thế mà, trải bao thăng trầm, dâu bể, làng tôi cứ đông đúc lên, từ khi chỉ có mươi nhà trở thành một làng nghề sầm uất”.
Như tôi biết, phần lớn những chuyện trong cuốn “Chuyện làng tôi” viết theo thể ký, tản văn, được tác giả viết vào giữa năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Ninh, cuộc sống mọi người, mọi nhà đảo lộn do lệnh phong tỏa của chính quyền nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Rất có thể nhớ quê mà không về được, ông đã cố nguôi ngoai bằng cách trải lòng mình qua những trang viết. Ngòi bút của ông bất chợt thăng hoa khi quá khứ ở làng quê bất chợt ùa về, dạt dào cảm xúc. Nhiều lúc mạch cảm xúc trong ông tuôn trào đến mức ông phải tốc ký mà vẫn không kịp.
Nhiều bài vừa viết xong là ông Hà gửi ngay cho tôi. Tôi in ra đọc nhanh rồi lại đọc chậm để thưởng thức và chiêm nghiệm, bởi nhận thấy có bóng hình của bản thân trong đó. Ông Cao Văn Hà viết sử làng bằng thứ văn tinh khiết thấm đẫm hồn quê của một người đầy sự trải nghiệm nên rất dễ đọc và đọc cũng rất dễ vào. Đặc biệt hơn, đã đọc vào rồi thì rất khó quên thậm chí cứ ám ảnh ta về những kỷ niệm khó quên của một thời chưa xa, người chưa cũ. Đấy cũng là cái tài cái của tác giả có tâm, người luôn đau đáu, nặng lòng với quê hương, với ngôi làng trải bao trầm luân dâu bể nhưng đang vươn lên cùng thời cuộc với khát vọng Giàu - Sang…
Những truyện ký của ông đã giúp tôi thêm hiểu cội nguồn, thêm yêu đất và người Đông Thái. Tập truyện ký - tản văn “Chuyện làng tôi” như một cuốn sử được viết bằng văn, thứ di sản phi vật thể hữu ích với người dân Đông Thái. Tôi tin người dân Đông Thái sẽ đón nhận cuốn sách với niềm tự hào lớn lao về mảnh đất quê hương. Trân trọng tấm lòng của một người con họ Cao đã nhận về mình những việc khó vì mục tiêu cao cả là được lưu giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp để làng Đông Thái luôn đúng như tên gọi là thái bình thịnh vượng…

Thanh Tú