Về hội Dâu

25/05/2023 20:29 Số lượt xem: 2041
Dù ai đi đâu về đâu/Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”. Theo câu ca dao truyền tụng dân gian, ngày 8-4 âm lịch hàng năm, người dân địa phương và du khách thập phương lại náo nức hướng về chùa Dâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) chiêm bái chốn Tổ đình Phật pháp của Việt Nam, hòa mình vào không gian lễ hội với những phong tục độc đáo, gắn liền với tín ngưỡng của người Bắc Ninh - Kinh Bắc từ bao đời.

Lễ rước kiệu cầu mưa thuận gió hòa ở hội chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: KT

 

“Theo truyền thống, lễ hội được 12 làng thuộc tổng Khương Tự, hay còn gọi là Tổng Dâu, nay là các làng thuộc các phường Thanh Khương, Hà Mãn, Trí Quả phối hợp tổ chức. Trung tâm của lễ hội là chùa Dâu (còn gọi là chùa Diên Ứng) được xây dựng vào năm 187 và hoàn thành năm 226 dưới thời Sỹ Nhiếp làm Thái Thú. Đây được coi là chốn Tổ đình (ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam) được xây dựng và tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ sang.
Chùa Dâu gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là biểu hiện sinh động sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo thời điểm mới du nhập. Chùa Dâu ngày nay là kiến trúc tu sửa từ thế kỉ 17-18, thời Hậu Lê. Chùa chính được bố cục theo kiểu “nội công ngoại quốc”, nằm trong khuôn viên hình chữ nhật diện tích 30x70m, bao gồm: Tiền thất, tháp Hòa Phong, Tiền Đường, nhà Tả vu - Hữu vu, Tam Bảo, Hậu đường, hành lang và các công trình phụ trợ.
Nổi bật trong hệ thống công trình của chùa là tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Sau nhiều lần tôn tạo và biến cố lịch sử, kiến trúc tháp hiện tại gồm 3 tầng, cao 15m xây bằng loại gạch cỡ lớn nung thủ công có màu sẫm già của vại sành. Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đồng đúc năm 1817, 4 góc đặt 4 tượng Thiên Vương - 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời. Nhìn từ xa, tháp Hòa Phong nổi bật, uy nghi giữa nền trời, là niềm tự hào và biểu tượng của vùng đất nơi đây.
Hội Dâu diễn ra trong 2 ngày (mùng 8 và mùng 9-4 âm lịch), trong đó ngày mùng 8 là ngày hội chính. Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa của làng mình về “công đồng”tại chùa Dâu (hội tụ các yếu tố Mây, Sấm, Chớp, Mưa). Đặc sắc nhất là nghi lễ rước và diễn tích trò “Mẹ đuổi con” rồi tổ chức “cướp nước” bằng việc rước kiệu Phật “Tứ pháp” chạy thi ra Tam quan. Nếu kiệu rước bà nào tới Tam quan trước thì lấy được nước và thắng cuộc. Thường thì kiệu bà Pháp Vũ sẽ chạy tới đích sớm nhất và người dân quan niệm rằng năm đó sẽ được mùa…
Dự hội Dâu, khách thập phương còn được chiêm bái tượng Phật Tứ Pháp là một trong những Bảo vật Quốc gia hội tụ nhiều giá trị đặc sắc. Nghệ thuật tạo tượng Tứ Pháp bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thuỷ kết hợp với đặc trưng văn hoá bản địa để tạo nên sản phẩm nghệ thuật Phật giáo mang màu sắc Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu hệ thống tượng Tứ Pháp không chỉ giúp tìm hiểu về cội nguồn lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá trình phát triển của Phật giáo vùng Đông Nam Á.
Ngày nay, một số phong tục, nghi lễ theo thông lệ đã được giản lược để phù hợp với tình hình đời sống hiện đại song những hoạt động lễ hội mang giá trị truyền thống vẫn được người dân gìn giữ, phát huy. Theo Ban tổ chức Lễ hội Tổng Dâu năm 2023, lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 4 Âm lịch) không tổ chức rước Phật nhưng phần lễ vẫn tổ chức các nghi lễ theo phong tục tập quán truyền thống.  Phần hội, bên cạnh các trò chơi dân gian diễn ra nhiều hoạt động văn hoá dân gian độc đáo, mang bản sắc đặc trưng vùng Kinh Bắc như: Hát Quan họ trên thuyền, hát ca trù, trống quân, hát văn, múa rối nước, thi cờ tướng, thả chim bồ câu…
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Trí Quả cho hay: “Lễ hội Tổng Dâu năm 2023 được tổ chức với tinh thần tiết kiệm, an toàn và mời gọi được đông đảo du khách. UBND phường đã xây dựng kế hoạch tổ chức từ sớm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban giúp việc bảo đảm phần lễ diễn ra linh thiêng, thành kính; phần hội là các hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải trí cho nhân dân và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng đến công tác an ninh, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, tình trạng người ăn xin, ăn mày trong những mùa lễ hội trước sẽ được xử lý triệt để để người dân và du khách yên tâm trảy hội”.
Một lần dự hội Dâu để tìm về chùa Dâu - chốn Tổ đình Phật pháp linh thiêng, trải nghiệm những nghi thức tín ngưỡng dân gian độc đáo, thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân và cùng người dân địa phương những ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là điểm nhấn giới thiệu về một vùng đất cổ với nhiều  công trình kiến trúc nổi tiếng được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt như: Chùa Bút Tháp, thành Luy Lâu, lăng và đền Sĩ Nhiếp… chắc chắn sẽ để lại trong mỗi du khách những ấn tượng sâu sắc.

Hoài Phương