Phát huy tiềm năng du lịch Gia Bình

11/08/2022 18:44 Số lượt xem: 3362
Với giá trị về cảnh quan thiên nhiên, di sản, làng nghề…, huyện Gia Bình có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh. Tuy nhiên, để “đánh thức” tiềm năng này, cần sự đầu tư đúng hướng, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.

 

Phát huy giá trị di sản văn hóa
Gia Bình hiện có 72 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó, có 10 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 62 di tích lịch sử cấp tỉnh. Các di tích tiêu biểu như: Đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh; Chùa Thiên Thư; đình Bảo Tháp; đền thờ Doãn Công Đào Nương; chùa Tĩnh Lự; khu di tích Lệ Chi Viên; chùa Đại Bi; cụm di tích xã Cao Đức, Vạn Ninh nơi có lăng mộ và các đình, đền thờ Cao Lỗ Vương, Đền Tam Phủ - Bãi Nguyệt Bàn… Các di tích được phân bố trên khắp các làng, xã với nhiều danh lam cổ tự, hội tụ giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan làng quê bình dị là những tài nguyên thu hút khách du lịch.
Vào dịp đầu năm, hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền tìm về tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa để tưởng nhớ, tri ân với tổ tiên. Hàng năm, Gia Bình quan tâm tới công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Theo kế hoạch, năm 2022, Gia Bình tu bổ, tôn tạo 7 di tích lịch sử văn hóa gồm: Đền Gia Phú (Bình Dương); đền Lập Ái (Song Giang); đình Cao Thọ, đình Chính Thượng (Vạn Ninh); đình Cứu Sơn (Đông Cứu); đình Cẩm Xá và đền Ngụ (Nhân Thắng).

 

Đền thờ Lê Văn Thịnh được tu bổ khang trang, thu hút khách tham quan.


Với di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù và nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: gò đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, nón lá Môn Quảng (Lãng Ngâm), nuôi tằm dệt lụa Ngăm Lương (Lãng Ngâm), làm quang gánh Triện Quang (Đại Lai)… Gia Bình đang hướng tới mục tiêu phát triển nghề truyền thống, đa dạng sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm nhằm thu hút du khách. Cùng với đó là các danh lam, thắng cảnh đẹp, giá trị về cảnh quan thiên nhiên của huyện là tiềm năng lớn để phát triển không gian du lịch làng quê, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng như hình thành các khu/điểm vui chơi, giải trí quy mô. Đây là lợi thế lớn của Gia Bình so với khu vực lân cận trong bối cảnh đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH đang có chủ trương đầu tư tại huyện để khai thác tối đa các lợi thế này.
Du lịch Gia Bình trong tương lai
Để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, Gia Bình xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái tâm linh giai đoạn 2020-2030 nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. Đề án sẽ góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái, nhất là sinh thái nông nghiệp trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đây là cơ sở để tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển bền vững.
Đề án đặt ra nhiều giải pháp về quy hoạch, đầu tư, xúc tiến quảng bá, phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý nhà nước... Trước mắt, Gia Bình sẽ đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ như: Lập và phê duyệt xong các đồ án quy hoạch chi tiết các khu/điểm du lịch; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển làng nghề gắn với di tích lịch sử; bảo tồn, tôn tạo các di tích và phát triển một số lễ hội truyền thống tiêu biểu.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Bình chia sẻ: Hiện có một số nhà đầu tư du lịch đã khảo sát và có chủ trương đầu tư, trong đó có Tập đoàn TH với dự án “Dòng sông huyền thoại” thực hiện các chương trình dự án như: Phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh ở khu vực. Đây là tín hiệu vui cho du lịch Gia Bình.
Cùng với đó, Gia Bình chủ động thực hiện, đề xuất một số giải pháp chiến lược với mong muốn đưa du lịch có bước đổi mới thực sự, phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có; hoàn thành và đưa vào khai thác quần thể du lịch văn hoá - sinh thái - tâm linh ven sông Đuống; tái bản, bổ sung các tài liệu về di tích lịch sử văn hóa Gia Bình và giới thiệu các di tích tiêu biểu phục vụ tour du lịch tâm linh; xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch bãi Nguyệt Bàn, khu nghỉ dưỡng sông Đuống gắn với phát triển tổng thể du lịch Lục Đầu Giang; quy hoạch và xây dựng trạm dừng nghỉ gắn với trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên tuyến Quốc lộ 17...
Với các điểm du lịch: Làng tranh tre Xuân Lai, làng đúc đồng Đại Bái; đền thờ Cao Lỗ Vương; đền Lệ Chi Viên; đền thờ Huyền Quang; đền thờ Lê Văn Thịnh; cảnh quan núi Thiên Thai và sông Đuống, Gia Bình tập trung phát triển tuyến du lịch đường thủy sông Đuống từ lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành) đến đền Cao Lỗ Vương, gắn kết với việc khai thác các điểm tham quan du lịch dọc theo sông Đuống thuộc hai huyện Thuận Thành và Gia Bình, kết nối với dự án du lịch du thuyền của tỉnh.

Minh Hường