Nhiều phát hiện qua khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự

09/08/2022 16:36 Số lượt xem: 3791
Ngày 9-8, tại xã Lãng Ngâm (Gia Bình), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Văn hóa Việt tổ chức Hội thảo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích chùa Tĩnh Lự (thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, Gia Bình). Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nghe giới thiệu về di vật quý thu được từ đợt khai quật khảo cổ học chùa Tĩnh Lự.

 

Theo các nguồn tài liệu thư tịch, Tĩnh Lự thiền tự là ngôi chùa được xây dựng trên núi Đông Cứu, cùng với chùa Đông Lâm trong năm thứ hai lên ngôi của hoàng đế Lý Thánh Tông. Dưới thời Lý, Tĩnh Lự giữ vai trò như một quốc tự, là nơi tu tập của những nhà sư danh tiếng. Trải qua nhiều lần trùng tu đến khoảng đầu thế kỷ XIX, chùa dần trở nên hoang phế, đổ nát, chỉ còn nền móng. Năm 1992-1993, người dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ trên nền xưa gồm Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Tăng. Năm 2002, UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng di tích cấp tỉnh cho bia đá Tĩnh Lự thiền tự bi, niên đại 1648.

Tháng 4-2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự trên diện tích 360 m2. Chủ trì khai quật là PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Các nhà khoa học tham quan và nghe thuyết minh tại hiện trường khai quật khảo cổ học di tích chùa Tĩnh Lự (Lãng Ngâm, Gia Bình).

 

Sau gần 4 tháng tiến hành mở 4 hố khai quật đã phát hiện các dấu tích kiến trúc thời Lý-Trần và Lê Trung Hưng như: Móng cột, bó nền, khoảng sân, đường đi, cống nước... cùng một số di tích khác: Mộ gạch Đông Hán, các cụm gạch ngói, hố đất, hố vôi, vòng tường đất nung... và thu được nhiều di vật thời Lý-Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn gồm vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc; đồ gốm sành thường nhật (bát, đĩa, cốc, chén, bình, vò, đèn...); đồ thờ (chân đèn, lư hương...). Đáng chú ý có bộ góc đao kiến trúc kích thước lớn, dài khoảng 90cm và nặng khoảng 30-35kg bằng gốm men thời Lý là những hiện vật tiêu biểu và hiếm gặp kể cả ở kinh thành Thăng Long.

Các nhà khoa học đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự và khẳng định đây là tư liệu vật chất quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến sự xác thực về tính chất, quy mô, niên đại của di tích này; thống nhất với những kiến nghị nhằm tiếp tục quan tâm bảo vệ di tích, mở rộng thu thập nghiên cứu và khai quật khảo cổ học ở ba cấp nền và khu vực xung quanh núi Thiên Thai nhằm bổ sung tư liệu, xây dựng cơ sở vững chắc cho việc đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tiếp theo. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc và những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đối với di tích chùa Tĩnh Lự cũng như không gian văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc; đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, tiếp tục phối hợp tham mưu, đề xuất phương án, cách thức và những bước nghiên cứu tiếp theo đối với di tích chùa Tĩnh Lự; nghiên cứu kế hoạch xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia và công nhận bảo vật Quốc gia đối với các hiện vật tiêu biểu; định hướng quy hoạch tổng thể không gian di tích gắn với bảo tồn di tích và phát triển du lịch sinh thái.  

Thanh Lâm