Hồn quê trong những bức tranh đồng

02/06/2023 18:16 Số lượt xem: 1051
Từ những miếng đồng lá qua đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Anh Vinh xã Đại Bái (Gia Bình) đã trở thành những tác phẩm độc đáo mang đậm chất nghệ thuật.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, làm việc tại các công ty chuyên về công nghệ thông tin tại Hà Nội, cuối năm 2009 anh Vinh quyết định trở về quê nối tiếp nghề truyền thống của cha ông. Thời điểm đó, đa số các cơ sở trong làng sản xuất các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, bình hoa, hoành phi, câu đối, tranh chữ… nhưng anh Vinh chọn cho mình lối đi riêng để phát triển đó là dòng tranh đồng mỹ nghệ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm làng nghề. Anh Vinh chia sẻ: “Tranh đồng là dòng tranh phải đầu tư công sức và thời gian nhiều, có những tác phẩm phải mất hai, ba tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thành. Vì vậy, không phải ai cũng theo đuổi dòng sản phẩm này. Tôi sinh ra và lớn lên tại làng quê, gần chục năm sống và làm việc tại Hà Nội nhưng hình ảnh những con đường làng, ngõ nhỏ, cánh đồng lúa chín, cây đa, bến nước, sân đình, tình cảm bình dị mà ấm áp người thôn quê… luôn in sâu vào tâm thức tôi. Trở về quê lập nghiệp, ký ức đó càng thôi thúc tôi tái hiện hình ảnh làng quê mộc mạc, bình dị, những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Bắc Ninh - Kinh Bắc trên những bức tranh đồng. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, những làng quê ở nước ta cũng đang dần bị công nghiệp hóa vì vậy tôi muốn tái hiện lại để thế hệ trẻ thời nay thấy được nét đẹp văn hóa xưa, tự hào về quê hương, cội nguồn của mình”.

 

Nghệ nhân Nguyễn Anh Vinh, xã Đại Bái (Gia Bình) chế tác sản phẩm tranh đồng mỹ nghệ.

 


Để làm ra một bức tranh đồng mỹ nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ lên ý tưởng, vẽ mẫu, gò làm nổi hình khối, chạm khắc trực tiếp lên đồng lá nguyên miếng, đánh bóng và đóng khung hoàn chỉnh. Với anh Vinh người làm tranh đồng không chỉ đơn thuần là thợ nghề, mà còn phải là nghệ sĩ, muốn có bức tranh chứa sắc thái biểu cảm riêng, điều quan trọng nhất là gò, chạm khắc tạo hình, tạo màu sắc của đồng phù hợp thì mới truyền tải được cái hồn của chủ đề tác phẩm. Khó nhất là khi thực hiện kĩ thuật gò, chạm khắc đồng đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận tinh xảo để tạo ra những đường nét, thể hiện được hồn cốt của tác phẩm. Anh Vinh cho biết: “Tranh đồng mỹ nghệ là sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa. Tranh đồng không thể dễ dàng thay đổi từng nét vẽ như một số dòng tranh khác. Có khi gần xong một bức tranh nhưng đến công đoạn cuối cùng, người thợ gò, chạm khắc một chi tiết bị hỏng là phải bỏ luôn cả tác phẩm, không thể khắc phục được. Mặc dù công việc vất vả, khó khăn nhưng đã tạo cho tôi nhiều hứng thú vì mỗi đường nét chìm, nổi được gò, chạm khắc khác nhau, mỗi mảng màu sáng tối của lá đồng tạo nên những hiệu quả bất ngờ”. Vì thế, mỗi tác phẩm của anh Vinh đều có màu sắc, dấu ấn riêng. Hiện nay cơ sở sản xuất tranh đồng mỹ nghệ Vinh Hằng do anh Vinh làm chủ sản xuất hai dòng sản phẩm chính là tranh phong cảnh và tranh chân dung. Tranh phong cảnh phần lớn về khung cảnh làng quê Bắc Bộ, về cội nguồn dân tộc, điển tích lịch sử, với bàn tay điêu luyện từng nét gò, chạm khắc của anh mang đến vẻ đẹp xưa cũ, đầy cảm xúc về cội nguồn, về cuộc sống đời thường hiện lên thật gần gũi, thân thương. Đặc biệt, tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, vị trí treo tranh… anh Vinh lựa chọn chủ đề cho từng bức tranh phong cảnh như: Bộ tứ quý, tứ bình; Mã đáo thành công; Cội nguồn quê hương… Ngoài ra, nhiều bức tranh dân gian Đông Hồ cũng được thể hiện trên chất liệu đồng như: Hội làng, Lý ngư vọng nguyệt, Vinh quy bái tổ, Vinh hoa phú quý, Mục đồng thổi sáo... Tranh chân dung được thể hiện một cách chân thực, rõ nét thần thái, phong cách, cảm xúc của từng nhân vật.
Ngay từ năm 2010, anh Vinh quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình trên các trang mạng xã hội zalo, youtube, facebook… và đưa lên trang web của cơ sở. Hằng năm, cơ sở sản xuất từ 200 đến 300 bức tranh lớn, nhỏ được người yêu tranh trong và ngoài tỉnh yêu thích. Anh Vinh được những người trong nghề đánh giá là có tay nghề điêu luyện, sử dụng thành thạo mọi kỹ thuật truyền thống, tạo nên những bức tranh đồng mỹ nghệ tinh xảo, nghệ thuật. Năm 2018, anh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
Không chỉ tạo ra các sản phẩm đẹp, mang màu sắc riêng, những năm qua nghệ nhân Nguyễn Anh Vinh đã tâm huyết truyền dạy nghề cho nhiều lớp thợ kế cận và mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát triển, gìn giữ làng nghề gò, đúc đồng truyền thống. Các học viên đều có tay nghề cao, tự sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị.

Phương Mai