Giáo dục di sản qua các hoạt động trải nghiệm

01/06/2023 20:05 Số lượt xem: 1715
Giáo dục di sản thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn là một trong những giải pháp lợi cả đôi đường, vừa tốt cho việc phát huy giá trị di sản, vừa khơi dậy, bồi đắp tình yêu di sản cho thế hệ trẻ và bổ trợ hiệu quả cho hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử trong các nhà trường.

Tham quan di tích, chiêm ngưỡng kỷ vật, nghe thuyết minh, kể chuyện lịch sử, tự tay in tranh Đông Hồ, mặc thử trang phục liền anh liền chị, têm trầu cánh phượng, giao lưu cùng nghệ nhân... là những trải nghiệm thực tiễn đầy hào hứng và thú vị được học sinh, sinh viên của nhiều trường học trong tỉnh hưởng ứng tích cực thời gian gần đây. Khi tham gia các hoạt động dã ngoại trải nghiệm này giúp học sinh vừa được vui chơi, được chủ động sáng tạo với các hoạt động hướng về di sản, vừa có nhận thức từ thực tế, cảm nhận rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa. Từ đó, trang bị cho các em kiến thức, hiểu biết về truyền thống văn hóa, hình thành niềm tự hào, thái độ trách nhiệm đúng đắn trong bảo vệ, phát huy di sản.  
Được đến tham quan Đền Đô, em Nguyễn Bảo Nam, học sinh lớp 6, Trường THCS Vũ Kiệt (Thuận Thành) hào hứng: Em thấy những buổi hoạt động ngoại khóa như thế này không chỉ là chuyến tham quan, được đi chơi mà còn là một buổi học tập bổ ích, thiết thực. Đến đây, chúng em được nghe kể chuyện các vị vua triều Lý, tận mắt chiêm ngưỡng bức Chiếu dời đô bằng gốm, em rất hào hứng và thích thú, ghi nhớ được nhiều kiến thức lịch sử mà cảm giác lại thoải mái, thư giãn...
Quan tâm nuôi dưỡng tình yêu di sản cho con từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Hường, 38 tuổi ở thành phố Bắc Ninh chia sẻ dù khá bận rộn với công việc nhưng  chị luôn cố gắng thu xếp thời gian vào cuối tuần đưa hai con nhỏ đang tuổi mầm non đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tạo cơ hội cho con được ra ngoài tiếp xúc với môi trường xung quanh, giúp con mạnh dạn, tự tin hơn. Chị hy vọng qua những hình ảnh, những câu chuyện mà các con được tiếp xúc từ nhỏ, sẽ kích thích trí tò mò, khơi gợi mong muốn tìm hiểu, khám phá về di sản văn hóa khi các con lớn hơn.

 

Tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các thiết chế văn hóa của tỉnh.


Giáo dục trải nghiệm di sản là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lại lâu bền, sâu sắc hơn.
Theo các chuyên gia về di sản, qua những trải nghiệm từ thực tế, các em tiếp thu nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nền nếp kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có hiểu biết cơ bản về giá trị di tích, di sản văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng... Cách học như thế không có nghĩa là bắt học sinh phải học vẽ tranh, phải kể chuyện lịch sử hay hát Quan họ... mà trước hết để các em thấy được mỗi loại hình di sản ấy có gì hay, có gì đẹp và tại sao lại hay và đẹp, nó được ra đời và lưu truyền như thế nào... Bằng việc gợi mở vấn đề, đặt câu hỏi, tạo cho các em cơ hội tự khám phá, tự trải nghiệm. Như vậy, vai trò của giáo viên, đặc biệt là những người làm công tác quản lý di tích, các hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm rất quan trọng. Họ không những phải nghiên cứu di sản để tìm ra khía cạnh phù hợp với trải nghiệm của từng lứa tuổi học sinh, mà còn phải luôn trau dồi và tự làm mới cách truyền đạt, giới thiệu, làm mới chính những câu chuyện kể để dẫn dắt, gợi cảm hứng tìm hiểu cho học sinh.
Vừa qua, một số cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tham gia khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp thuyết trình và MC cơ bản nhằm trang bị kỹ năng truyền đạt, kỹ năng làm chủ ngôn ngữ cơ thể và kỹ năng xử lý vấn đề trong giao tiếp, giúp việc truyền đạt thông tin hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực cho người nghe.

 

Học sinh thành phố Bắc Ninh tham quan trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng tỉnh.


Tháng 1-2023, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình phối hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Nội dung chương trình phối hợp trọng tâm là giáo dục về lịch sử, văn hóa của quê hương thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu, hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa; phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa...
Ngành Văn hoá lựa chọn các di tích tiêu biểu tại các huyện, thành phố để thực hiện các hoạt động phù hợp với học sinh trên địa bàn như: Văn miếu Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh), đền thờ Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình), đền thờ Hàn Thuyên (huyện Lương Tài), đền thờ Lý Thường Kiệt (huyện Yên Phong), đền thờ Nguyễn Cao (Thị xã Quế Võ), Đền Đô (thành phố Từ Sơn)... Đặc biệt, hiện nay một số thiết chế văn hóa như Văn miếu Bắc Ninh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà hát Dân ca Quan họ, Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ... đã và đang có nhiều hoạt động phong phú, giúp việc trải nghiệm, tìm hiểu di sản thêm hấp dẫn, hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Chương trình hợp tác giáo dục di sản vừa tăng cường mối liên kết giữa học tập và thực hành trải nghiệm, giữa di sản với học sinh, gia đình, nhà trường, vừa giúp nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Chúng ta tin tưởng vào một thế hệ trẻ nhiệt huyết kế tục gìn giữ, bảo vệ và sáng tạo di sản quá khứ, bản sắc dân tộc qua những trải nghiệm phong phú từ thực tiễn.


    V.Thanh