Dựa vào văn hóa để làm mới sản phẩm du lịch

30/03/2023 21:39 Số lượt xem: 1808
Tài nguyên văn hóa là nguồn lực để phát triển du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch cũng chính là phương thức, là con đường dồi dào tiềm năng cho các địa phương phát huy và gia tăng sức mạnh mềm văn hóa.

Là doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch sông Đuống và mong muốn tạo ra những sản phẩm mới lạ, mang tính đột phá cho du lịch Bắc Ninh, ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Du lịch Quốc tế châu Á Thái Bình Dương từng khẳng định: Ở Bắc Ninh, du lịch văn hóa là loại hình có lợi thế so sánh. Cùng với di sản thế giới Dân ca Quan họ và hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, cảnh quan sông núi nên thơ... thì việc khai thác, phát triển sản phẩm du lịch sông Đuống với những trải nghiệm khác biệt như du thuyền trên sông kết hợp hoạt động trải nghiệm trên bờ như du lịch giáo dục, du lịch tâm linh, cắm trại, nhà hàng, vui chơi giải trí... sẽ tạo bước đột phá mới lạ, mang đến lợi thế cạnh tranh to lớn cho du lịch Bắc Ninh.

Du khách quốc tế tham quan chùa Phật Tích (Tiên Du).


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Đài, sản phẩm du lịch đường sông với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc dọc sông Cầu, sông Đuống vẫn chưa được khai thác phù hợp; các sản phẩm du lịch văn hóa của Bắc Ninh hiện vẫn còn chồng chéo giữa các khu, điểm du lịch; hoạt động marketing so với yêu cầu phát triển vẫn chưa xứng tầm; du lịch Bắc Ninh vẫn mang tính mùa vụ, lượng khách tập trung chủ yếu trong 3 tháng đầu xuân và chiếm khoảng 60% tổng lượng khách trong năm. Công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú trung bình đạt khoảng 52%, mùa thấp điểm chỉ khoảng 30-41%.
Theo các chuyên gia, tư duy thu hút khách du lịch thông qua kích cầu giảm giá hoặc miễn phí dịch vụ không còn là giải pháp tối ưu sau khi dịch bệnh được kiểm soát mà thay vào đó, các doanh nghiệp, các điểm đến cần được làm mới, tạo sự độc đáo, mới lạ. Việc làm mới sản phẩm du lịch giống như chế biến món ăn, có thể vẫn là nguyên liệu cũ nhưng bổ sung thêm “gia vị” hoặc biến tấu làm sao để tạo ra “hương vị” mới cho món ăn hấp dẫn, mới lạ hơn, nhiều trải nghiệm hơn.
Giả sử khi đến Bắc Ninh, du khách được vãn cảnh qua những ngôi chùa cổ kính, thăm viếng các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như Đền Đô, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền Bà Chúa Kho... Song cũng vẫn là điểm đến ấy, những người làm du lịch sẽ nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm chuyên sâu hơn, kể những câu chuyện mới mẻ hơn giúp du khách hiểu biết nhiều hơn về ý nghĩa, giá trị của di tích. Hoặc cũng có thể gia tăng các trải nghiệm cho du khách như bổ sung hoạt động diễn xướng nghệ thuật truyền thống; thiết lập không gian check-in đặc sắc; trải nghiệm ẩm thực; mua sắm các sản phẩm OCOP của địa phương... làm sao để khi ra khỏi di tích du khách vẫn còn đọng lại những ấn tượng đẹp.
Mục tiêu của Bắc Ninh đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ từ 2-2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng và có trên 20 nghìn lao động trong ngành du lịch, trong đó 80% lao động qua đào tạo. Để đạt mục tiêu này, Bắc Ninh xác định lựa chọn ưu tiên đầu tư, tạo ra các sản phẩm du lịch từ giá trị của các di sản nổi trội để phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh.
Trong đó, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến mời gọi đầu tư để hình thành 1 khu du lịch văn hóa mang tầm quốc gia và 7 khu du lịch văn hóa tiêu chuẩn cấp tỉnh. Thiết kế, xây dựng tour, tuyến du lịch đặc trưng kết nối các di sản văn hóa lịch sử với chuỗi dịch vụ đồng bộ gồm thuyết minh, hướng dẫn du lịch, vận chuyển khách, ẩm thực, mua sắm, sản phẩm quà tặng lưu niệm... Trước mắt nghiên cứu sản xuất quà tặng, đồ lưu niệm du lịch, xây dựng công trình, biểu tượng văn hóa du lịch dựa trên ý tưởng từ hình mẫu của các Bảo vật quốc gia.
Một sản phẩm du lịch mới mà Bắc Ninh đang hướng tới là đưa Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành điểm đến cuối tuần, định kỳ tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa Quan họ và các loại hình nghệ thuật dân gian của các vùng miền trong và ngoài nước; trưng bày, triển lãm không gian văn hóa Quan họ, thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan. Song song với tổ chức chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền gắn với các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch...
Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tránh sự trùng lặp, tại không gian thiết chế văn hóa ở các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ định hướng xây dựng chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa rối nước, hát trống quân, nghệ thuật tuồng, chèo... với đầy đủ lịch biểu diễn, thời gian, giá vé cụ thể và phù hợp. Trên cơ sở đó liên kết với các công ty lữ hành để quảng bá, thu hút, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khách khác nhau. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ, làng nghề thủ công truyền thống, làng nông nghiệp nông thôn gắn với dịch vụ du lịch Homestay, nghỉ dưỡng, sinh thái, tăng tính trải nghiệm và khám phá giá trị văn hóa truyền thống.

T.Lâm