Đến năm 2030, Bắc Ninh đào tạo 25 môn thể thao thành tích cao

18/10/2021 16:09 Số lượt xem: 2052
Đây là mục tiêu của Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Từ nay đến 2030, Boxing tiếp tục được định hướng đầu tư phát triển thành môn thể thao chủ lực, mang thương hiệu của tỉnh.

 

Đề án được xây dựng nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ về thể thao thành tích cao (TTTTC) khi tập trung phát triển các môn thể thao có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, nhất là ở các môn thể thao cơ bản trong Thế vận hội (Olympic), Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao toàn quốc, các giải trẻ quốc tế, khu vực và trong nước. Trong đó, đề án chú trọng xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV bài bản, khoa học; tập trung đầu tư trọng điểm cho những bộ môn, VĐV xuất sắc, đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

Ngoài ra, Đề án mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao giải trí; tăng cường tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế để phát triển phong trào TDTT, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tạo nền tảng và động lực đưa TTTTC lên tầm cao mới, trở thành mắt xích quan trọng trong sự phát triển thể thao của cả nước, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo lộ trình, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), ngoài môn Bóng đá nam và Bóng chuyền nữ đã có Đề án riêng được phê duyệt, ngành TDTT cơ bản duy trì 10 môn thể thao đang đào tạo: Vật, Boxing, Cử tạ, Đấu kiếm, Pencak Silat, Karate, Judo, Wushu, Kickboxing, Tennis; bổ sung thêm một số môn: Điền kinh, Đua thuyền…

Trong giai đoạn này, ngành đặt mục tiêu hàng năm thi đấu từ 36 - 48 giải thể thao quốc gia giành từ 210 - 300 huy chương các loại; tham gia thi đấu từ 5 - 10 giải thể thao quốc tế, đạt từ 20 - 25 huy chương; cung cấp từ 20 - 30 lượt VĐV cho các đội tuyển quốc gia. Năm 2024, có VĐV giành vé tham dự Olympic. Hàng năm tổ chức thi đấu từ 13 - 15 giải thể thao cấp tỉnh; đăng cai tổ chức thi đấu từ 5 - 7 giải thể thao quốc gia, quốc tế. Đào tạo từ 12 - 16 môn thể thao, với tổng số VĐV đào tạo tập trung từ 320 - 420.

Giai đoạn II (định hướng đến năm 2030) tiếp tục đầu tư đào tạo các môn thể thao ở giai đoạn trước, bổ sung tăng dần thêm môn Bơi lội, Kurask và một số môn thể thao giải trí, nghệ thuật gắn liền với phát triển du lịch…Hàng năm thi đấu từ 48 - 63 giải thể thao quốc gia, giành từ 350 - 400 huy chương các loại; tham gia thi đấu từ 10 - 15 giải thể thao quốc tế, thành tích đạt từ 25-35 huy chương; cung cấp từ 25 - 35 lượt VĐV cho các đội tuyển quốc gia. Phấn đấu có huy chương Olympic 2028.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành TDTT tập trung đầu tư, phát triển thành 3 nhóm chính như sau: Nhóm I, nhóm các môn chủ lực (đột phá) gồm 7 môn thể thao: Vật, Boxing, Cử tạ, Đấu kiếm, Pencak Silat, Karate, Wushu (tiếp tục xây dựng 4 môn mang thương hiệu là Bóng chuyền nữ, Boxing, Cử tạ và Vật). Nhóm II, gồm các môn thể thao tiềm năng và có nhiều khả năng tranh chấp huy chương giải vô địch quốc gia, vô địch trẻ toàn quốc và một số môn mới phù hợp với tố chất con người, truyền thống của Bắc Ninh, như: Điền kinh, Judo, Kickboxing, Bắn cung, Bắn súng, Đua thuyền gắn với phát triển các điểm du lịch. Nhóm III, nhóm các môn đón đầu, phát triển phong trào và từng bước nâng cao thành tích cùng với thúc đẩy phát triển du lịch, thể thao mạo hiểm, thể thao giải trí, nghệ thuật như: Bơi lội, Tennis, Jujitsu, Kurash, Thể dục thể hình, Taekwondo, Cầu lông, Cờ vua...

Ngành TDTT tích cực phối hợp tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TTTTC; đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển TTTTC. Tùy theo tình hình thực tế và kết quả đào tạo của các môn trọng điểm có thể điều chỉnh lựa chọn môn thể thao để đầu tư cho phù hợp với xu thế đầu tư của quốc gia và điều kiện của tỉnh. Đến năm 2030 tổng số tối thiểu số môn và phân môn ngành đào tạo khoảng 20-23 (cả bóng đá, bóng chuyền là 25 môn). 

Đức Quý