Đấu kiếm Bắc Ninh và những đỉnh cao khát vọng

27/09/2022 09:17 Số lượt xem: 1433
Kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018) có thể coi là dấu mốc thành công nhất của đấu kiếm Bắc Ninh khi giúp đoàn thể thao của tỉnh giành tới 10 huy chương (2HCV, 2 HCB, 6 HCĐ). Nhưng sau chuỗi thành công ấn tượng đó, đấu kiếm Bắc Ninh lại đang dần chững lại, thậm chí là có dấu hiệu đi xuống. Lý giải về điều này, HLV Vũ Tự Chính khẳng định đa phần là do nguyên nhân khách quan đem đến. Trước hết là những VĐV hàng đầu của đội như Bùi Văn Tài, Nguyễn Thị Luyến, Nguyễn Thị Quên… đều đã qua thời kỳ đỉnh cao, người nghỉ thi đấu, người lại chuyển sang công tác huấn luyện. Đặc biệt trong khoảng thời gian hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng và chiến lược đào tạo của đội. Để duy trì thứ hạng và thành tích của đội, chúng tôi đang tiến hành trẻ hóa lực lượng nhằm hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong tương lai.

Được đưa vào huấn luyện từ 2005, môn đấu kiếm của tỉnh được coi là non trẻ nhất trong các tỉnh, thành phố có bộ môn này thời điểm đó (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh). Nhưng chỉ sau một năm tập luyện, đấu kiếm Bắc Ninh đã đoạt HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006. Những năm tiếp theo môn đấu kiếm liên tiếp đem vinh quang cho thể thao tỉnh ở các giải đấu trong cũng như ngoài nước. Năm 2007, 2008 duy trì HCV ở giải Vô địch đấu kiếm Quốc gia; năm 2009, HCB, HCĐ tại giải Vô địch trẻ Đông Nam Á. Năm 2010, HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc. Năm 2011, HCV giải vô địch Quốc gia, HCB SEAGames. Năm 2012, HCV, HCB Vô địch Đông Nam Á. Năm 2013, HCV nội dung đồng đội giải Vô địch Quốc gia…Đến năm 2018, đấu kiếm Bắc Ninh tiếp tục khẳng định mình ở giải Vô địch đấu kiếm trẻ Quốc gia lần thứ IX khi vươn lên xếp thứ Nhì toàn đoàn với 3 HCV, 2 HCB, 7 HCĐ, đặc biệt là giành được 10 huy chương (2HCV, 2 HCB, 6 HCĐ) tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.

 

HLV đội tuyển Đấu kiếm tỉnh chia sẻ niềm vui với các nữ kiếm thủ Bắc Ninh sau khi giành HCV nội dung đồng đội nữ kiếm chém.


Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây, đấu kiếm Bắc Ninh lại đang gặp phải không ít khó khăn, bất cập, nhất là trong việc đào tạo nguồn kế cận có chất lượng. Đây là một thực tế mà không chỉ môn Đấu kiếm gặp phải, đấy cũng là thách thức lớn của những bộ môn khác của thể thao thành tích cao. Lý giải về điều này, lãnh đạo ngành TDTT cũng như HLV của các bộ môn đều chung nhận định: Hiện nay, thể thao thành tích cao của tỉnh tuy phát triển nhưng chưa có tính bền vững, ổn định bởi hệ thống đào tạo, tạo nguồn kế cận cho các môn thể thao còn thiếu và nhiều bất cập, dẫn đến có thời điểm phải gián đoạn tạm thời. Vì để có được một lứa VĐV “chín” cũng phải mất từ 5 đến 10 năm đào tạo, huấn luyện chuyên sâu.
Với tiêu chí tuyển chọn khắt khe, chỉ em nào có các tố chất như: Sải tay dài, hình thể cao, phản xạ nhanh mới được Ban huấn luyện đội tuyển đấu kiếm sơ tuyển. Nhưng nhiều khi tuyển chọn được rồi lại vấp phải sự phản đối của gia đình. Vì thế không ít trường hợp ban huấn luyện phải xuống tận nhà, hoặc nhờ người tuyên truyền, vận động với gia đình và bản thân các em, bởi môn đấu kiếm còn khá xa lạ với nhiều người. Vì thế mà đến nay, đội tuyển của tỉnh cũng mới chỉ đào tạo 27 VĐV chia làm 3 tuyến (7 VĐV tuyến tỉnh, 6 VĐV tuyến năng khiếu, 14 VĐV tuyến trẻ).

 

Trận đấu tranh HCV nội dung đồng đội nữ kiếm chém giữa Bắc Ninh và Hà Nội tại giải Vô địch Đấu kiếm U23 Quốc gia lần thứ IV năm 2022.


Mới đây, tại giải Vô địch Đấu kiếm U23 Quốc gia lần thứ IV năm 2022 được tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh (từ 12 đến 17-8), mặc dù đội tuyển Đấu kiếm của tỉnh chỉ giành được 3 huy chương (1HCV, 2HCĐ) nhưng những VĐV trẻ được kỳ vọng như: Trương Thị Hồng Thắm, Phương Ngọc Ánh, Phan Thị Yến Nhi, Lê Thị Thịnh, Lê Bá Long, Nguyễn Tuấn Anh Kiệt, Phạm Hoàng Tuấn Hải, Nguyễn Văn Long…đều đã tỏa sáng. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng khi hành trình trẻ hóa đội tuyển dần có những dấu hiệu khởi sắc để bổ sung, thay thế cho những vị trí trụ cột của đội tuyển sau này. Bởi không giống với những giải đấu kiếm chuyên nghiệp khác, những giải đấu kiếm trẻ được coi như đợt tập dượt nhằm đánh giá tổng thể quá trình đào tạo, giúp các em có cơ hội được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu từ chính đối thủ cùng trang lứa, từ đó tôi luyện nên ý chí, nghị lực để sẵn sàng bước lên những sàn đấu cao hơn.
Ông Vũ Tự Chính cho biết thêm: Đội tuyển đấu kiếm của tỉnh đang hướng tới những mục tiêu cao và xa hơn, nên việc đầu tư thời gian, kinh phí, công sức cho đào tạo VĐV trẻ được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi muốn bộ môn phát triển bền vững thì Ban huấn luyện cần xây dựng lực lượng VĐV trẻ có căn cơ, ổn định và mang tính kế thừa. Qua mỗi giải đấu trẻ, Ban huấn luyện sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng từng VĐV để có kế hoạch xây dựng, bổ sung nguồn kế cận cho đội tuyển thi đấu ở những giải đấu trong nước cũng như quốc tế.

Đức Quý