Đào tạo bóng chuyền trẻ còn lắm gian nan

24/08/2020 09:37 Số lượt xem: 1394
Chỉ xếp 9/10 trong lần đầu dự giải trẻ câu lạc bộ toàn quốc tại Bến Tre năm 2018, nhưng cũng tại giải đấu đó sau một năm (tổ chức tại Đắk Lắk), đội trẻ bóng chuyền nữ Kinh Bắc lại có sự thăng tiến vượt bậc khi vươn lên đứng ở vị trí 5/12 đội. Năm 2020, bóng chuyền trẻ Kinh Bắc tiếp tục giữ vững thành tích khi kết thúc giải đấu tại Vĩnh Phúc ở vị trí 5/13 đội. Việc tăng dần vị trí, thứ hạng qua từng năm cho thấy sự tiến bộ không ngừng về trình độ chuyên môn của các cô gái trẻ Kinh Bắc.

Đội trẻ bóng chuyền nữ Kinh Bắc giao lưu với đội bóng THPT Hoa Kỳ tại làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành).
 
Nhiều thuận lợi
Có thể khẳng định, bóng chuyền nữ Kinh Bắc ra đời đúng vào thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thuận lợi đầu tiên chính là sự quan tâm, tạo mọi điều kiện từ phía tỉnh, ngành TDTT để xây dựng và phát triển môn thể thao thành tích cao tập thể. Từ việc định hướng xây dựng đề án, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu, đến việc đăng cai tổ chức các giải đấu bóng chuyền trong nước và Quốc tế nhằm tăng cường sự giao lưu, cọ xát về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội bóng cũng như những người làm thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tất cả đều vì mục tiêu xây dựng và phát triển môn thể thao tập thể đầu tiên sao cho tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thứ hai là truyền thống và tình yêu thể thao của người dân, nhất là với bộ môn bóng chuyền. Điều này được minh chứng qua các giải đấu có sự tham gia của đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc. Dù được tổ chức trong cũng như ngoài tỉnh, người hâm mộ tỉnh nhà vẫn luôn sát cánh, cổ vũ hết mình vì sắc áo quê hương. Bên cạnh sự ủng hộ hết mình của người hâm mộ, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc còn nhận được sự cam kết gắn bó, đồng hành lâu dài của các nhà tài trợ.
Đặc biệt, cuối năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 232 Quy định một số chế độ dinh dưỡng, tiền thưởng, đãi ngộ đối với huấn luyện viên, vận động viên và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thể thao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mọi chế độ đãi ngộ từ tiền công, tiền ăn, tiền thưởng của các đội, kể cả đội trẻ và năng khiếu…đều được tăng ở mức cao nhất so với các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm kịp thời, thiết thực bằng chế độ đãi ngộ tương xứng với tài năng, cống hiến của các VĐV, còn là cú hích tinh thần lớn với ngành TDTT nói chung, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc nói riêng.
Trong công tác đào tạo bóng chuyền trẻ cũng có sự phối hợp, liên kết hiệu quả với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh nhằm đa dạng hóa và hướng tới chuẩn đào tạo trong chuyên môn. Qua công tác đào tạo cũng như tập huấn cọ xát với những đội bóng ở các nước Mỹ, Thái Lan hay Hóa chất Đức Giang (Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên… cũng như tại các giải đấu trẻ toàn quốc dần xuất hiện những VĐV trẻ có triển vọng, như chủ công Trần Thu Giang, Libero Cà Thị Tư hay chuyền hai Trần Ngọc Như Ý, Nguyễn Thị Lan… Nếu được rèn giũa bài bản, trong tương lai không xa, họ hoàn toàn có khả năng thay thế lớp VĐV trước, thậm chí là tỏa sáng trên đội 1 cũng như tầm cỡ quốc gia.
Còn lắm gian nan
So với những đội bóng có truyền thống và thương hiệu hàng đầu của cả nước như Thông tin Liên Việt Post Bank, VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương… thì thương hiệu bóng chuyền nữ Kinh Bắc chưa thể sánh bằng. Vì thế mà sức hút trong khâu tuyển chọn ban đầu gặp không ít khó khăn. Thậm chí ngay cả khi có nhiều em tìm đến đăng ký, Ban huấn luyện cũng phải sàng lọc, kiểm tra kỹ lưỡng, từ độ tuổi, chiều cao, cân nặng, sức bật, sải tay, đặc biệt là phải có niềm đam mê cháy bỏng với trái bóng chuyền. “Không phải em nào đến đăng ký cũng được nhận, chỉ những em hội tụ đầy đủ các yếu tố từ hình thể đến tố chất bẩm sinh của bộ môn mới được nhận. Vì thế mà trong số hàng chục, hàng trăm em đăng ký cũng chỉ chọn được vài em đủ điều kiện. Đấy là chưa kể nhiều em dù được Trung tâm nhận rồi nhưng gia đình lại không ủng hộ, thậm chí là ra sức ngăn cản nên các em lại phải từ bỏ ước mơ của mình”- HLV Đặng Văn Hướng (Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh) chia sẻ.
Ngay cả khi nhận vào đội tuyển năng khiếu để đào tạo thì vẫn còn không ít em cảm thấy hụt hẫng. Bởi ở lứa tuổi này tâm sinh lý chưa ổn định, phải xa gia đình, cộng thêm áp lực tập luyện, học văn hóa nên nhiều em thấy mệt mỏi, chán nản. Những lúc đó, HLV lại phải trở thành người bạn, người anh, người chị, thậm chí là cả người cha, người mẹ để sẻ chia, động viên khích lệ tinh thần các em. Ngoài gặp khó về chuyên môn, hiện nay do thiếu kinh phí trong tuyển sinh đào tạo, đặc biệt là cơ sở vật chất chưa hoàn thiện đồng bộ nên đội năng khiếu cũng như đội trẻ đều phải mượn địa điểm để tập luyện…
Theo ông Quách Quang Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng chuyền tỉnh: Theo định hướng thì đến năm 2025, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc sẽ hoạt động theo cơ chế của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Vì thế việc xây dựng phát triển lực lượng trẻ được Trung tâm đặc biệt quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, để đào tạo ra được một lực lượng trẻ có số lượng và chất lượng đủ sức kế thừa, thay thế lớp VĐV ở đội 1 thì lại là bài toán không hề đơn giản. Nhưng dù có khó khăn, vất vả đến đâu, chúng tôi vẫn quyết tâm đào tạo cho được những lớp VĐV kế cận chất lượng, nhằm từng bước khẳng định thương hiệu trong công tác đào tạo với các địa phương, đơn vị trong cả nước.
Đức Quý