Về làng Sen quê Bác

19/05/2023 18:04 Số lượt xem: 1987
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử,  những người làm báo Bắc Ninh chúng tôi về làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An-quê Bác). Các thành viên trong đoàn đều chung một tâm trạng bồi hồi, xúc động khi được nghe kể những câu chuyện cảm động về thời thơ ấu của Người và càng thêm khâm phục nhân cách vĩ đại của một danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã nhiều lần vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng nhiều lần về Làng Sen quê Bác, lần nào cũng đều để lại trong tôi những cảm xúc bồi hồi, xúc động. Bên con đường làng rợp bóng xà cừ cổ thụ dẫn lối vào Làng Sen, những thửa ruộng lúa trải một màu xanh mát. Khung cảnh làng quê yên bình với hàng tre, giếng nước đầu làng, mái nhà tranh... đẹp như một bài cổ thi. Men theo hàng rào râm bụt, chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ đơn sơ, giản dị và dừng lại thật lâu bên cây lựu lập lòe hoa đỏ, trước sân nhà Bác.

Giọng cô hướng dẫn viên xứ Nghệ nghèn nghẹn kể về những ngày tháng ấu thơ của Người. Làng Sen dẫu không phải nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, nhưng lại ghi dấu suốt những năm thơ ấu của Bác. Ngôi nhà lá năm gian là tình nghĩa của bà con làng Sen quyên góp xây nên để mừng cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác) đỗ Phó bảng trở về làng vào năm 1901. Lúc này thân mẫu Bác qua đời, nên gian chính của căn nhà thân phụ của Người dùng để thờ tự bà Hoàng Thị Loan, người vợ, người mẹ hiền tảo tần, sớm phải ra đi ở tuổi 33. Tấm Biển “Ân tứ ninh gia” được cụ Nguyễn Sinh Sắc trân trọng đặt bên bàn thờ như để báo đáp, cảm tạ ân đức của người vợ hiền cả một đời hy sinh vì chồng, vì con. Nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình đã có những ngày tháng sống thanh bạch, ấm cúng trong tình yêu thương của bà con làng xóm.

 

Các du khách được nghe thuyết minh viên kể về những ngày ấu thơ của Bác với gia đình tại làng Sen.



Cũng chính nơi đây, qua những buổi được tiếp nước, hầu trà cho cha cùng bạn hữu, các vị chí sĩ yêu nước xướng họa, bình văn, đàm đạo thời cuộc, cậu bé Nguyễn Sinh Cung sớm nảy nở lòng yêu quê hương, đất nước, ý chí cứu nước, cứu dân. Đứng trong căn nhà tranh nơi Bác gắn bó những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ và cũng đầy gian khó nhọc nhằn cùng những người thân yêu trong gia đình, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Những vật dụng đơn sơ của gia đình ghi dấu thời gian của hơn một thế kỷ trước vẫn được lưu giữ: chiếc tủ gỗ, bộ phản, chiếc rương, chiếc giường… như còn đọng lại hơi ấm của Người.
Trước khi vào thăm căn nhà tranh nơi Bác sinh sống thuở niên thiếu, chúng tôi đã đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắp nén tâm nhang lên bàn thờ Bác, lòng thầm bày tỏ sự kính yêu, biết ơn công lao trời biển của Bác cho đất nước, cho mỗi người dân Việt Nam hôm nay được hưởng thành quả độc lập, tự do và hạnh phúc. Gần Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai nhà trưng bày các hiện vật, hình ảnh về Bác được sắp xếp theo hai chủ đề: “Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người”. Nơi đó, lưu giữ chiếc xe U oát đưa Bác về thăm quê lần thứ nhất (ngày 16-6-1957), rồi đôi dép cao su, bộ quần áo kaki được gấp ngay ngắn… chứa đựng muôn vàn thông điệp ý nghĩa.

 

Trang báo Nhân Dân Nghệ An được lưu giữ tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ.

 


Có lẽ vì “bệnh” nghề nghiệp nên tôi dừng lại rất lâu bên trang báo Nhân Dân Nghệ An (tiền thân của báo Nghệ An ngày nay). Trang báo ố vàng đăng tải chi tiết lần Bác Hồ về thăm quê thứ hai (ngày 8-12-1961). Những bức ảnh ghi dấu khoảnh khắc Bác nói chuyện với bà con, thông tin những điểm Bác đến thăm, những lời căn dặn của Bác… sao mà ân tình, tha thiết. Tôi bùi ngùi nhớ hai câu thơ Bác ứng tác khi về thăm quê lần đầu sau hơn 50 năm xa cách: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình...”. Câu nói trong lần về thăm quê sau hành trình hoạt động cách mạng, bôn ba khắp năm châu bốn bể “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, rồi lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi này đến thắng lợi khác càng hiểu hơn nỗi khắc khoải của Bác về đất nước, về quê hương xứ Nghệ. Và chúng tôi thực sự xúc động khi nghe cán bộ Khu di tích đọc bức thư Bác gửi về khi nghe tin anh cả Nguyễn Sinh Khiêm qua đời. Trong thư có câu “Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Bác của chúng ta đó, một con người giản dị và thanh cao, cả cuộc đời vì nước, vì dân. Mang trong lòng mình nỗi nhớ da diết về làng Sen, về những người thân yêu ruột thịt, song vì việc nước, Bác đã hy sinh tình nhà.
Mỗi lần về thăm quê Bác, đứng lặng bên bàn thờ tưởng niệm Bác, từ tận đáy lòng, chúng tôi tự nhủ phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để có những hành động, việc làm thiết thực theo tấm gương, đạo đức của Bác Hồ kính yêu. Và chúng tôi luôn tin Bác vẫn đang hằng ngày dõi theo mỗi bước đi của dân tộc Việt Nam.

Ghi chép của ĐỖ XUÂN