Tháng 5, về Pác Bó, tìm lại dấu chân Người

18/05/2023 21:08 Số lượt xem: 1494
“Hãy về thăm quê ta Pác Bó/ Nơi Bác về nguồn nước mới sinh” - hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu năm nào, như lời mời gọi tha thiết chúng tôi về thăm vùng đất nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Nơi Bác Hồ khơi nguồn nước cách mạng cho dân tộc, mở ra thời đại Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 5, chúng tôi trở lại Pác Bó Cao Bằng, nơi hơn 80 năm trước, Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Từ thành phố Bắc Ninh, chúng tôi chọn đi theo Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn. Quãng đường từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, đường còn dễ đi, nhưng từ trung tâm huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn, đồi núi bắt đầu hiểm trở, đèo dốc quanh co, tai tôi liên tục ù đi vì thay đổi độ cao đột ngột. Càng lên cao, núi non càng điệp trùng, hùng vĩ. “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”, câu ca xưa chợt hiện về sao ngậm ngùi đúng cảnh đúng người thế! Qua thành phố Cao Bằng, chúng tôi hướng về Pác Bó…không khí đầu hè trong lành, mát mẻ, cây cối tốt tươi khiến, đường về Pác Bó, như càng gần hơn.
Trong hành trình của mình, trước khi đến với “Đây suối Lê Nin, kia núi Mác”, chúng tôi đến thăm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ngay phía bên ngoài khu di tích Pác Bó. Đại diện Ban quản lý đền cho biết: Ngôi đền thể hiện tình cảm và nguyện vọng của người dân cả nước, đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đối với Người. Đền thờ được xây dựng tại vị trí trung tâm của vùng đất thiêng Pác Bó, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sinh khí ngàn năm hội tụ. Ngôi đền là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Cao Bằng với kiến trúc hiện đại tạo cảm giác uy nghi, nhưng vẫn gần gũi, giản dị.
Quần thể khu di tích Pác Bó cách đền thờ Bác Hồ không xa, khung cảnh nơi đây vẫn giữ nét nguyên sơ. Núi Các Mác sừng sững, soi bóng xuống dòng suối Lê Nin hiền hòa, trong xanh như ngọc. Chị La Thị Hồng Hạnh, dân tộc Tày, hướng dẫn viên Khu di tích cho biết: Trước đây, người dân địa phương gọi là suối Giàng và núi Đào. Về sau, Bác Hồ đề nghị đổi tên thành suối Lê Nin và núi Các Mác để tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản có ảnh hưởng to lớn đối với nhân loại tiến bộ. Tại đây, vào mồng 1-2 âm lịch hằng năm, chính quyền đều tổ chức lễ hội về nguồn Pác Bó. Lễ hội nhằm bảo tồn, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tày - Nùng, đồng thời tôn vinh những giá trị lịch sử của Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

 

Bếp lửa giúp Bác sưởi ấm trong hang Cốc Bó.


Dạo bước men theo bờ suối Lê-nin, con đường nhỏ được lát bằng đá, rộng hơn 2m dẫn vào từng vị trí nơi Bác từng sống và làm việc, chúng tôi được nghe kể về sự kiện ngày 28-1-1941, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi tới cột mốc 108, Bác đã cầm nắm đất lên hôn như hình ảnh một người con trở về đất mẹ hiền bao la nghĩa tình, tôi nhớ ngay tới bài thơ của Tố Hữu: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.../ Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!”.
Trở về Tổ quốc, Bác Hồ đã chọn Pác Bó làm nơi hoạt động cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Pác Bó theo lời kể của người dân địa phương, nơi đây có địa hình núi rừng hiểm trở, có núi cao, suối sâu, tiếng Nùng gọi là Cốc Bó (Đầu nguồn). Nơi đây có hang Cốc Bó sâu và rộng, Bác lấy tên là Già Thu, chọn địa điểm này để ở và làm việc. Vừa cùng với các thành viên của gia đình bước đến cửa hang, cậu con thứ của tôi là Đỗ Đức Quang, học sinh lớp 10, Trường THPT Hàn Thuyên (thành phố Bắc Ninh) lặng lẽ quan sát. Trên ánh mắt, gương mặt của cháu không giấu được xúc động bảo: “Trước đây, con chỉ biết những di tích lịch sử này thông qua sách vở và bài học trên lớp. Nay được trực tiếp tới thăm nơi Bác sống và làm việc, được uống nước suối Lê Nin, được sờ tay vào núi Các Mác, đặc biệt là được vào trong hang Cốc Pó, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm giác xúc động thương Bác và càng cảm nhận sâu sắc hơn sự vĩ đại của Bác Hồ”.
Đứng trước hang Cốc Pó, chúng tôi xúc động và cảm phục trước sự giản dị mà vĩ đại của Bác trong những tháng ngày Người lãnh đạo cách mạng ở nơi này. Hang nhỏ hẹp chỉ vừa 1 người đi. Bên trong hang địa hình mấp mô, ẩm thấp. Tiếng loa thuyết minh của chị Hạnh tuy nhỏ nhưng trong không gian tĩnh lặng nghe rất rõ. Chị Hạnh cho biết: Vì điều kiện sinh hoạt trong hang quá khó khăn, nên gia đình ông Lý Quốc Súng đã mang sang vài tấm ván gỗ kê lên để Bác nằm. Tại đây, tấm ván ấy vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Cách cửa hang khoảng 10m là bếp sưởi. Thời điểm Bác về đây, thời tiết vùng cao núi đá chuyển sang rét buốt. Trong hang không có chăn, chiếu, Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng không ngủ được nên dậy đốt lửa vừa để sưởi ấm vừa đọc, nghiên cứu tài liệu. Tại đây, Bác cũng đã viết bằng than củi lên vách đá 9 chữ: “Nhất cửu tứ nhất niên, nhị nguyệt bách nhật”, tức là “ngày mồng 8-2-1941”, đánh dấu ngày Bác chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Pó này. Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất, ấy vậy mà Bác vẫn luôn lạc quan cách mạng ắt thành công. Chính tại nơi hang cùng suối thẳm ấy, Bác vẽ nên một khung cảnh đầy thi vị: “Sớm ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Đọc lịch sử, đọc các tư liệu, và giờ đây khi đến tận “nguồn cội”, tôi càng hiểu thêm, chính trong cái hang nhỏ giữa vùng biên ải lạnh lẽo, xa xôi, ngọn lửa yêu nước của Bác đã trở thành ngọn lửa thiêng lan tỏa, sáng soi khắp non sông…
Trở về Pác Bó, dù cho thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng khi đến đây ta vẫn có cảm giác từng thân cây, ngọn cỏ, khe đá nơi Bác ngồi câu cá; chiếc giường chông chênh trong hang Cốc Pó hay trên bộ bàn ghế đá... vẫn như còn tạc lại dáng hình, lưu lại hơi ấm của Người. Nó luôn gợi nhớ về một ông Ké giản dị luôn trăn trở với con đường giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than, nô lệ. Đất nước trọn niềm vui hôm nay, ta càng biết ơn Bác Hồ - Người khơi nguồn dòng thác cách mạng, mở ra thời đại Hồ Chí Minh để trong tôi và muôn triệu trái tim Việt Nam luôn có Người thắp sáng niềm tin.

Ghi chép của Đỗ Xuân