Nhạc sĩ tài hoa “ở ẩn” miền Quan họ

12/05/2023 20:39 Số lượt xem: 1200
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại gắn liền với những giai điệu mãi không quên như: Trên công trường rộn tiếng ca, Hương hồi xứ Lạng, Dòng trăng lúng liếng... Nhạc sĩ quê gốc ở Hà Nam nhưng đã ngót 20 năm “ở ẩn” giữa vùng non tiên dưới chân núi Phật Tích (Tiên Du). “Ở ẩn” là cách nói vui của nhạc sĩ, vì sau khi kết thúc công việc ở Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam về nghỉ hưu, từ năm 2002, ông chọn Bắc Ninh là nơi sinh sống và chuyên tâm sáng tác. Giới chuyên môn đánh giá, chính khoảng thời gian sống tại Bắc Ninh, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã trình làng nhiều tác phẩm lớn với sức lao động ghê gớm cùng sự khắt khe về học thuật...

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính tại tư gia ở làng Vĩnh Phú, xã Phật Tích, Tiên Du.

 

 

“Yêu lắm Tiên Du”

Chúng tôi về Phật Tích, Tiên Du thăm nhạc sĩ Ngô Quốc Tính vào một sớm xuân tươi hồng. Đón khách giữa không gian sống thênh thang hoa lá cỏ cây, có tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót ríu ran và hương hoa thơm ngát, người nhạc sĩ tài hoa ân cần, cởi mở: Vì yêu say Quan họ mà tôi chọn gắn bó với nơi đây trong những năm tháng tuổi xế chiều...
Là thế hệ nhạc sĩ tài năng cùng thời với nhạc sĩ Phó Đức Phương, Văn Thành Nho... nhạc sĩ Ngô Quốc Tính nguyên là Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đạt nhiều giải thưởng âm nhạc lớn từ thể loại nhạc giao hưởng, nhạc kịch, thanh xướng kịch đến các ca khúc... Khi về sống tại Bắc Ninh, nhạc sĩ cũng là người khởi xướng thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh và có thời gian tham gia công tác đào tạo, giảng dạy ở Trường Trung cấp VHNT&DL tỉnh. Đắm mình với đất Phật Tích, Tiên Du huyền thoại, với mạch nguồn Quan họ đã khiến ông say mê và sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: Dòng trăng lúng liếng, Yêu lắm Tiên Du, Thành phố Bắc Ninh nở hoa anh hùng, hợp xướng Phật Tích, Nàng Nhũ Hương...
Tuy không phải “nơi cắt rốn chôn rau” nhưng nhạc sĩ Ngô Quốc Tính từng viết những câu hát về quê hương Bắc Ninh thế này: “Phật Tích-Tiên Du-Bắc Ninh-Kinh Bắc/ Nền văn hiến uốn cong nòng súng/ Quan họ canh dài mài sáng quắc đường gươm...” (trích hợp xướng Phật Tích); hay “Một nền văn hiến đậm đà cốt cách/Rồng Rồng, Tiên Tiên, non non, nước nước/ Miền Kinh Bắc ơi...” (trích Dòng trăng lúng liếng).
Bầu bạn trong giới âm nhạc đều cảm nhận thấy, mạch nguồn không gian văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc đã truyền cảm hứng, thôi thúc người nhạc sĩ tài hoa sáng tác những công trình âm nhạc đồ sộ, bề thế. Tiêu biểu như: hợp xướng không nhạc đệm Dòng trăng lúng liếng (Giải Nhất ca khúc nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009); hợp xướng Phật Tích (Giải Nhì, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010); vở nhạc kịch Huyền diệu biển (Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2016); thanh xướng kịch Nàng Nhũ Hương (Giải B, không có giải A, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017); hợp xướng Nhớ lời di chúc theo chân Bác (Giải B, Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018)...
Trong khoảng 60 năm, kể từ ca khúc đầu tiên “Niềm vui cô thợ dệt” được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam khi nhạc sĩ 21 tuổi, đến nay, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã viết hơn 500 ca khúc, nhiều tác phẩm khí nhạc, một số kịch hát và viết nhạc cho trên 100 vở kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca... Giới chuyên môn đánh giá, âm nhạc Ngô Quốc Tính thấm đượm tinh hoa âm nhạc dân tộc, khúc triết, giàu thẩm mỹ, dày công tìm tòi sáng tạo, đặc biệt là trong khí nhạc. Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương “Vì sự nghiệp “Văn học Nghệ thuật Việt Nam”, “Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam” cùng nhiều bằng khen của các ngành, địa phương. Năm 2012, Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Nay bước sang tuổi thượng thọ 80, từng trải qua một tai nạn thập tử nhất sinh, nhưng nhạc sĩ Ngô Quốc Tính vẫn cần mẫn sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Ông đang phối hợp cùng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dựng vở nhạc kịch “Huyền diệu biển”. Về sáng tác, ông cho biết đang cặm cụi viết vở nhạc kịch thứ 4 kể về mối tình, sự hy sinh cao cả của một nhạc sĩ và một ca sĩ với tựa đề “Khúc hiến dâng bi tráng”.

“Bầu sữa” Quan họ và kịch hát “Nàng Nhũ Hương”

Trong số những công trình âm nhạc bề thế của “ẩn sĩ” tài hoa Ngô Quốc Tính, “Nàng Nhũ Hương” là tác phẩm thuộc thể loại thanh xướng kịch - Oratorio mang phong vị đồng quê, ca ngợi đức Vua Bà - người có công sáng tạo ra những làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh bất hủ. Tác phẩm vừa được Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ 2, giai đoạn 2017-2022 xét tặng giải Nhất.
Chia sẻ cảm hứng viết “Nàng Nhũ Hương”, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính kể: Tôi rất mê Quan họ. Khi còn là học sinh tôi vẫn thường nghêu ngao “Người ơi người ở đừng về”, “Tình bằng có cái trống cơm”... Càng lớn càng tiếp xúc, được nghe Quan họ nhiều hơn, nhất là khi về Bắc Ninh được nghe các cụ ở làng Diềm, làng Bịu hát tôi thích lắm, mê lắm. Các cụ hát Quan họ sâu sắc, tinh tế, trữ tình, yêu thương nhau mà rất đàng hoàng, lịch lãm. Đó là động lực thôi thúc tôi nung nấu, ấp ủ phải viết một cái gì đó thật lớn về Bắc Ninh. Trước đó tôi viết “Dòng trăng lúng liếng” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải Nhất ca khúc nghệ thuật (hiếm khi có giải thưởng về ca khúc nghệ thuật). Về sau, nhờ được nghe kể và đọc sách mà tôi biết được truyền thuyết về Thủy tổ Quan họ. Dựa vào sự tích ấy, tôi hư cấu, sáng tác thêm tình tiết và viết “Nàng Nhũ Hương”.
“Nàng Nhũ Hương” - dùng âm nhạc để kể truyền thuyết về người con gái xinh đẹp, tài năng và đầy huyền thoại ở xứ Kinh Bắc. Đó là Thủy tổ Quan họ Vua Bà - vốn là một thôn nữ, con gái vua Hùng được cử về vùng Kinh Bắc dạy bảo dân cấy lúa, trồng ngô, nàng còn nghĩ ra những bài hát và truyền dạy cho nam thanh nữ tú trong vùng. Điều đặc biệt, nàng là người đàn bà có “ba vú” nuôi hoàng tử con vua trưởng thành. Khi nàng hát và cho hoàng tử bú thì ngực nàng tỏa ra hương thơm kỳ lạ của lúa ngô, của hương đồng gió nội, của mưa sa bão táp... Cũng bởi là người đàn bà có sữa thơm nên nhạc sĩ đặt tên tác phẩm là “Nàng Nhũ Hương”.
Cảm phục và ấn tượng về công trình nghệ thuật- “Nàng Nhũ Hương”, NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: Địa danh, vùng văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc đã nuôi dưỡng một nhạc sĩ tài hoa để mang đến cho công chúng một tác phẩm hết sức công phu mà đã lâu lắm rồi, giới âm nhạc Việt Nam chưa có. Bằng bút pháp điêu luyện, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã kế thừa, sáng tạo vốn dân ca Quan họ, kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc đương đại để sáng tác “Nàng Nhũ Hương”. Đây là công trình nghệ thuật dài hơi, đòi hỏi sự trăn trở trong nhiều năm và phải có một bút pháp điêu luyện mới có thể sáng tạo một tác phẩm đồ sộ như thế. Tôi nghĩ rằng tác phẩm này không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của âm nhạc Bắc Ninh mà còn của cả ngành nhạc Việt Nam.
“Nàng Nhũ Hương” là câu chuyện âm nhạc kể về Thủy tổ Quan họ dài trọn một đêm diễn (khoảng 120 phút) nhưng chỉ sử dụng duy nhất làn điệu Quan họ cổ “Gọi đò” thu lại từ giọng hát của NSND Thúy Hường, toàn bộ phần nhạc còn lại là nhạc sĩ sáng tác. Tác giả Ngô Quốc Tính cho biết, ông có dự định chỉnh sửa thêm để “Nàng Nhũ Hương” từ thể loại thanh xướng kịch thành vở nhạc kịch - Opera. Ông cũng hy vọng tác phẩm sớm đến được với công chúng. Muốn vậy, cần sự đầu tư lớn về cả tiền tài lẫn nhân tài với một dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng cùng những nghệ sĩ tài năng tham gia biểu diễn...

Ghi chép của Thanh Lâm