Một thoáng miền biên viễn

06/05/2022 17:45 Số lượt xem: 3422
Nhắc đến Hà Giang, vùng biên cương Tổ quốc, có lẽ bất cứ người dân đất Việt nào cũng mong muốn một lần đặt chân tới, để được đứng dưới lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay trên cột cờ Lũng Cú, nơi mà theo sử sách, danh tướng Lý Thường Kiệt lần đầu tiên đánh dấu chủ quyền lãnh thổ bằng một cây sa mộc. Để tận mắt cảm nhận vẻ đẹp độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc, có những người phụ nữ mang trên mình gánh nặng cuộc sống mưu sinh với chiếc gùi quá khổ trên lưng; chụp ảnh cùng những em bé Mông, Dao, Giáy, Lô Lô... ngộ nghĩnh, bên những vách đá tai mèo, những ngôi nhà đất bé nhỏ sau hàng sa mộc mờ sương khói.

Chúng tôi đến Hà Giang một ngày tháng 3 mát mẻ với tâm trạng đầy háo hức. Nếu miền biển đẹp ngọt ngào quyến rũ như cô gái mười tám, Hà Giang lại mang vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng như một cô sơn nữ. Và sau chuyến đi này thì chắc chắn một điều là: “Không gì là không thể, miễn là chúng ta đi cùng nhau”. Nếu ai từng đặt chân đến Hà Giang dù chỉ một lần, hẳn bị miền đất này quyến rũ. Những nét đẹp tự nhiên lúc giao mùa, hay cung đường đồi núi xanh tươi, từ đơn sơ đến hùng vĩ, từ hoang dại đến thơ mộng hữu tình, đến đây rồi đều sẽ da diết nhớ thương.

 

Đường lên cột cờ Lũng Cú.


Hơn 5h sáng, chúng tôi xuất phát từ thành phố Bắc Ninh với đoạn đường dài gần 300 km để lên đến Hà Giang. Nếu như trước đây thường phải đi mất trọn ngày, nhưng bây giờ nhờ có cao tốc Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ mở rộng nên chạy xe từ Bắc Ninh lên Hà Giang chỉ mất độ hơn 6 tiếng đồng hồ. Từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, để rẽ ngang lên Tuyên Quang - Hà Giang ở phía Bắc thì phải xuống tại nút giao IC9 (giao cắt giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường Hồ Chí Minh) ở đầu thị xã Phú Thọ. Từ Phú Thọ, chạy thêm 30km tới ngã ba Đoan Hùng (nơi có thương hiệu bưởi ngon nổi tiếng) là sang tới đất Tuyên Quang. Dừng chân ăn sáng xong, chúng tôi tiếp tục chạy một mạch lên Hà Giang với quãng đường khoảng 150km. Đúng 11h30, chúng tôi đã có mặt tại thành phố Hà Giang. Trước khi nghỉ dừng chân ăn trưa chúng tôi đã kịp lưu lại vài kiểu ảnh “làm bằng chứng” đã đặt chân tới mảnh đất địa đầu đất nước.

 

Phiên chợ ở thị trấn Đồng Văn chỉ diễn ra vào ngày Chủ nhật hằng tuần.


Từ thành phố Hà Giang, cứ theo Quốc lộ 4C thì điểm đến đầu tiên sẽ là Quản Bạ (cách thành phố Hà Giang khoảng 50km), chúng tôi gặp dòng chữ lớn trên núi cao “Chào mừng tới công viên đá Đồng Văn quốc gia”. Ngay tại Quản Bạ cũng đã có chi chít điểm tham quan. Nhưng địa điểm check-in không thể bỏ qua là đèo cổng trời Quản Bạ để từ lưng đèo chiêm ngưỡng kỳ quan “núi đôi cô tiên” bên dưới thị trấn Tam Sơn. Trước khi lên đèo Quản Bạ, có một cung đèo đầu tiên để thử tay lái chúng tôi là dốc Bắc Sum (cách đèo Quản Bạ khoảng 20km). Chuyến đi này của chúng tôi gặp thời tiết thuận, nhưng vẫn không có cơ hội được ngắm núi đôi do đang thi công dự án mở đường, nổ mìn phá đá trên đèo, nên ô tô phải rẽ vào đường Tùng Vài ở ngã ba gần chợ Quyết Tiến, để vòng lên trung tâm huyện Quản Bạ, tránh cổng trời. Nếu không sẽ phải xếp hàng cả chục km, mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ chờ đường thông. Bù lại, đường tránh Tùng Vài - Tam Sơn quanh co nhỏ hẹp cũng mang lại cho chúng tôi thêm trải nghiệm thú vị.

 

Trước cổng “Nhà của Pao” ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.


Cung đường từ Quản Bạ lên Yên Minh chừng 50km. Phong cảnh bắt đầu đẹp hơn. Nhiều đoạn Quốc lộ 4C chạy sát sông Miện nước trong vắt. Đương xuân nên hoa xoan nở tím rặp từng mảng. Hoa gạo cũng nở đỏ rực bên đường. Từ trên đỉnh cao của núi khi xuống đến lũng sâu thì mới thấy cái khác biệt của thế giới trên núi cao kia với chốn lũng sâu ngút ngàn những ruộng bậc thang xanh mướt hay những ruộng cải vàng óng dưới ánh mặt trời. Biển mây bồng bềnh cùng khói sương bảng lảng khiến tất cả như một bức tranh vừa mơ hồ, vừa huyễn hoặc đem lại cho chúng tôi một cảm giác lâng lâng khó tả.
Để lên Đồng Văn, từ Yên Minh có thể theo 2 hướng, đi thẳng hoặc rẽ phải sang Mèo Vạc, qua đèo Mã Pì Lèng, xa hơn khoảng 30km. Chúng tôi chọn hướng qua Mèo Vạc. Thị trấn Mèo Vạc thật đẹp, là một thung lũng nhỏ khá sầm uất, bốn bề bao bọc những ngọn núi đá vôi cao chót vót, dựng đứng. Qua thị trấn Mèo Vạc hơn chục cây số, vượt đèo Mã Pì Lèng dài 18km để đến Đồng Văn. Được biết, ngày xưa đi từ Mèo Vạc đến Đồng Văn, chỉ có thể đi bộ và đi ngựa qua Mã Pì Lèng, tuy không xa nhưng 2 vùng này vì vậy mà gần như bị chia cắt. Năm 1959, nhà nước cho mở con đường này, mang tên con đường Hạnh Phúc. Chuyện mở đường qua Mã Pì Lèng của hơn 50 năm trước thật không đơn giản chút nào, công việc toàn bằng thủ công, từ đo đạc, khảo sát, nổ mìn, đến vận chuyển đất đá, đầm chặt mặt đường. Hàng chục ngàn thanh niên của 11 dân tộc vùng Việt Bắc và một số tỉnh miền xuôi đã treo mình trên núi đá suốt 6 năm trời, mãi đến năm 1965 để có con đường này. Sau này có phương tiện cơ giới, đường Hạnh Phúc được nâng cấp, trải nhựa, dù hẹp nhưng khá tốt. Chúng tôi dừng chân ở đỉnh đèo vào lúc hoàng hôn, nơi có tấm bia lưu niệm công trình con đường Hạnh Phúc, Mã Pì Lèng lại càng thật đẹp, lung linh, huyền ảo, sông Nho Quế tắm đỏ ánh hoàng hôn, như ngọn đèn trời hắt ánh sáng vào không gian.

 

Bản làng người H’Mông dưới chân núi Rồng, xã Lũng Cú (Đồng Văn).


Sau khi vượt qua điệp trùng cổng trời, đèo dốc, cua tay áo... tối đó chúng tôi có mặt tại Đồng Văn- Nơi cao nhất của cao nguyên đá, là nơi “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày”. Người dân vùng cao Đồng Văn sống quyện cùng với đá: dọn đá để dựng nhà, để có đất trồng trọt; khoét đá để tìm dòng nước ngọt… Đá dựng thành tường rào bao quanh, đá giữ nước, giữ đất để có ruộng bậc thang và đá dựng thành rừng, thành lũy để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ở nơi đây cúi xuống thấy đá tai mèo, ngẩng lên trời lại thấy đá, một màu đen xám bao phủ. Nhưng có lẽ nơi đây khó khăn nhất vẫn là nguồn nước, dù lượng mưa hàng năm khá cao nhưng do địa hình đá vôi nên không giữ nước được, nguồn nước ngầm lại khan hiếm. Người dân nói nước ở đây còn quý hơn vàng, cán bộ xuống cơ sở, nhất là trường học, trạm xá, về mùa khô món quà quý nhất là mấy can nước lã mang theo từ trên xe. Có lẽ đây là chuyện độc nhất vô nhị, thứ tối thiểu cho cuộc sống trở thành quý, hiếm có thể trở thành món quà giá trị. Rồi chuyện “nuôi bò trên vai”, mới nghe chúng tôi chẳng hiểu chuyện gì. Thì ra, ở đây toàn núi đá, chỉ có mấy tháng mùa mưa là còn cây cỏ và cũng không thể thả bò như ở nơi khác, bò lăn dốc sẽ què hoặc chết. Vì vậy, bò đứng yên một chỗ, người nuôi cắt cỏ gùi trên vai về nuôi bò, và từ đó chuyện “nuôi bò trên vai” là vì vậy. Ở đây, người dân ý thức khá tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, họ dùng toàn thứ tươi, ít khi dùng thứ qua đông lạnh: dê núi, gà đồi, cá sông, ngỗng cỏ... thích con nào thì chỉ, chủ sẽ chiều khách. Ở vùng núi đá, những loại rau hoàn toàn yên tâm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ăn cứ giòn tan, ngọt lịm.
Hà Giang, nơi có 22 dân tộc sinh sống, trong 195 đơn vị xã, phường, thị trấn của tỉnh thì có đến 181 đơn vị có đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn chung con người Hà Giang thân thiện và hiếu khách, không chỉ khách từ các tỉnh mà cả khách nước ngoài. Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều cháu nhỏ, gặp khách, ánh mắt của chúng lại trở nên rạng rỡ. Chúng nhoẻn miệng cười tươi rói, vẫy tay chào những vị khách xa lạ một cách rất đỗi thân thương và trìu mến. Cứ nghĩ không biết cử chỉ đẹp đó tạo được từ bao giờ, so với nhiều nơi du lịch khác, cuộc sống người dân khá hơn, tiện nghi có thể tốt hơn nhưng trẻ em và cả người lớn lại chưa có cử chỉ này.
Tạm biệt Hà Giang! Tạm biệt miền biên viễn với những cao nguyên đá hùng vĩ đứng sừng sững muôn đời! Tạm biệt dòng Nho Quế trong xanh, phẳng lặng! Tạm biệt những nếp nhà đơn sơ, giản dị chênh vênh bên sườn núi! Tạm biệt những con người lam lũ mà hồn hậu, chân chất, mộc mạc như cành cây, ngọn cỏ. Bất chợt câu hát “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông, đầu suối, như đầu mây đầu gió…” vang lên trong tôi cùng hình ảnh các chiến sĩ biên phòng chào cờ trên đỉnh Lũng Cú khiến ta thêm tự hào về mảnh đất địa đầu Tổ quốc kiên cường.

Ghi chép của ĐỖ XUÂN