Khát vọng làm giàu từ đồng ruộng

26/04/2022 15:39 Số lượt xem: 4145
Trong khi nhiều nông dân “thoát ly” nông nghiệp thì chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Chi Long, xã Long Châu (Yên Phong) lựa chọn bám trụ và làm giàu từ ruộng đất với tâm niệm: “Ruộng đồng cũng là một phương tiện làm giàu hiệu quả và bền vững, mang lại thu nhập cao nếu như người nông dân thật sự có tâm huyết, quyết tâm và khai thác tốt lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương…”

Chị Nguyễn Thị Lan vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng vì những thành tích trong sản xuất và phát triển kinh tế.       

 

Cuối tháng Tư, có dịp về thôn Chi Long, mảnh đất tôi từng nghĩ chắc hẳn chỉ toàn nhà máy, công ty…thì nay, đứng giữa cánh đồng lúa xanh mướt một màu, chúng tôi không khỏi ấn tượng và khâm phục ý chí, quyết tâm và tính cần cù lao động của chị Nguyễn Thị Lan người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất biến những mảnh ruộng bị bỏ hoang thành cánh đồng xanh mướt, trù mật cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhớ lại những ngày đầu gắn bó với con đường “xắn tay, lội ruộng” Chị Lan tâm sự: “Thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thôn Chi Long nói riêng và xã Long Châu nói chung từ khi có Khu Công nghiệp Yên Phong 1 vào hoạt động kéo theo dịch vụ, phòng trọ phát triển, người dân đi làm công nhân tại các Khu công nghiệp nên tại các xứ đồng trên địa bàn tình trạng bỏ ruộng hoang hóa không sản xuất diễn ra nhiều vụ, nhiều năm. Có bố mẹ là nông dân, bản thân cũng là thành viên của Chi hội Nông dân thôn Chi Long và HTX Dịch vụ nông nghiệp Chi Long, tôi cảm thấy tiếc đất, đồng thời, nhận thấy việc sản xuất quy mô lớn có thể cho giá trị cao hơn nên tôi đã đề xuất với xã và đến từng hộ dân để thuê lại 10,5 ha ruộng để sản xuất”.

Chị chủ động liên hệ với Chi hội nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Phong để nắm được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó áp dụng vào sản xuất của gia đình mình. Khi bắt tay vào khai hoang cánh đồng lớn, không thể dùng sức người để sản xuất, trong khi đó, máy móc nông nghiệp ở địa phương cũng chỉ là máy cày lật đất đơn giản. Chị Lan đã lên mạng tìm tòi, học hỏi các thiết bị phục vụ việc gieo cấy và kinh nghiệm gieo sạ ở nhiều địa phương đã áp dụng thành công. Tiếp đó, chị tập trung san ruộng, cải tạo mương máng với phương châm “nhất nước, nhì phân”. Sau hàng tháng trời chị đã hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Phải mất một vụ lúa, đồng đất khu vực này mới có thể đáp ứng được các điều kiện gieo cấy theo phương pháp hiện đại.

Xử lý xong đất, bắt đầu từ vụ xuân năm 2018, gia đình chị đầu tư gieo cấy giống lúa GS9 cho Công ty Cổ phần giống cấy trồng Đại Thành Bắc Ninh và lúa thuần của Công ty vật tư Bắc Giang... Trên toàn bộ diện tích lúa này, chị áp dụng kỹ thuật cao trong sản xuất như: gieo mạ khay, cấy bằng máy; sử dụng dịch vụ phun phòng trừ sâu bệnh, dịch hại lúa bằng máy bay không người lái... qua đó, nâng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với chị Nguyễn Thị Lan, ruộng đồng là một phương tiện sản xuất hiệu quả nếu biết cách tận dụng (Trong ảnh: Nông dân sản xuất trên cánh đồng của chị Nguyễn Thị Lan).

 

Được nghe kể về quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây lúa mới thấy hết tâm huyết và độ am hiểu của chị về cây lúa. Khoảng cách từ nhà tới khu đồng khá xa nhưng ngày nào chị cũng đi thăm đồng. Quá trình cây lúa sinh trưởng, phát triển được chị theo dõi cẩn trọng, có thể sớm phát hiện dấu hiệu nhiễm bệnh để xử lý kịp thời. Cây lúa đã quá quen thuộc với nông dân và cũng chính vì thế mà người dân thường chủ quan, bỏ qua các kỹ thuật canh tác tưởng chừng như không cần thiết nhưng lại rất quan trọng. Phòng sâu bệnh, diệt chuột hại phải đủ liều lượng, đúng thời điểm. Vì thế, vụ trước nhiều nơi lúa mất mùa vì bệnh vàng lá di động và lùn sọc đen nhưng cánh đồng lúa của gia đình chị vẫn “miễn dịch” với loại bệnh hại nguy hiểm này.

Nhờ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên các vụ lúa đều cho năng suất cao. Gia đình chị đã liên kết với cơ sở thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm tươi ngay tại ruộng. Sau khi trừ chi phí gia đình thu lợi nhuận 250 triệu đồng/ 2 vụ. Ngoài 2 vụ lúa mỗi năm, chị còn triển khai trồng xen canh thêm 16ha khoai tây thương phẩm Atlantic cung cấp cho Công ty TNHH Orion Vina. Vừa cấy lúa, vừa trồng khoai, mô hình sản xuất của chị Lan không chỉ cho lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ năm mà còn góp phần chia sẻ kinh nghiệm và tạo việc làm cho nhiều nông dân ở địa phương .

Gần 5 năm vật lộn trên những cánh đồng, những nỗ lực không ngừng của chị Nguyễn Thị Lan dường như đã được đền đáp xứng đáng. Khu đồng bỏ hoang ngày nào giờ đây đã là cả một gia tài lớn với những cây lúa, củ khoai. Từ khó khăn, chị Lan đã đưa kinh tế gia đình đi lên, từ người nông dân bình thường thì giờ đây chị Lan được gọi là người nông dân giàu có bởi những kiến thức làm nông nghiệp, bởi sự cần cù, ham học hỏi và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất, đồng ruộng quê hương.

Ghi chép của Me- Hoa