Điểm “nóng” vi phạm đất đai đang “hạ nhiệt”

16/05/2023 19:45 Số lượt xem: 2022
Chủ tịch UBND xã Yên Trung (Yên Phong) Nguyễn Văn Huynh khoát tay chỉ khu đất còn nham nhở nền bê tông ven tỉnh lộ 295, thuộc địa phận thôn Trần Xá: “Thời gian trước, chỗ này, hàng quán mua bán sôi động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội. UBND xã chỉ đạo Công an xã, Đội tự quản nhiều lần kiểm tra, thu giữ biển hiệu quảng cáo bán hàng; yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng vẫn không giải quyết được dứt điểm. Vừa qua, xã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, kiến nghị huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp và tổ chức cưỡng chế thành công các công trình vi phạm, trả nguyên hiện trạng đất nông nghiệp”. Yên Trung từ một điểm “nóng” về vi phạm đất đai đến nay đã “hạ nhiệt”, điều này minh chứng cho quyết tâm chính trị về giải quyết, khắc phục tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, bán đất trái thẩm quyền trên địa bàn huyện Yên Phong đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Từ điểm “nóng” về vi phạm đến tháo dỡ hàng loạt công trình


Tại khu vực thôn Trần Xá, hàng quán, biển hiệu, ô che, lều lán, xe đẩy hàng tự chế tràn kín hai bên trục đường chính của thôn, khiến tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra nhất là vào giờ tan tầm. Ông Huynh cho hay: Cứ nhắc nhở, thu giữ, người dân lại dẹp gọn được một chút, lực lượng chức năng đi khỏi thì đâu đóng đấy. Bởi chưa có chế tài xử lý mạnh, chỉ xử phạt hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe, trong khi đó, lợi nhuận từ thương mại, dịch vụ quá lớn, nên người dân cố tình vi phạm, rất khó giải quyết.
Là địa phương nằm giáp KCN, Yên Trung có tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ mạnh mẽ, nên tình trạng lấn chiếm đất xây dựng lều lán, quây tôn, thậm chí xây dựng công trình kiên cố… diễn ra khá phổ biến và khó giải quyết. Năm 2022, có 53 trường hợp lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; 200 lượt trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, bán hàng trên vỉa hè bị cưỡng chế giải toả. Với sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đến thời điểm hiện tại, không còn trường hợp vi phạm mới phát sinh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tái diễn vi phạm sau khi bị cưỡng chế tại thôn Trần Xá, Trung Lạc, Xuân Cai, Vọng Đông, Chính Trung. Để giải quyết dứt điểm, Đảng uỷ xã Yên Trung ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh, chỉ đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn; UBND xã thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, Tổ công tác tiến hành rà soát việc lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, bán đất trái thẩm quyền, qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình tái phạm.

 

Giải quyết triệt để vi phạm đất đai, tạo động lực phát triển bền vững.

 

Vụ việc 140 hộ dân vi phạm về đất đai ở xã Văn Môn bị cưỡng chế hồi năm ngoái cho thấy động thái tích cực của Yên Phong trong siết chặt quản lý nhà nước về đất đai. Mặc dù hầu hết các hộ lấn chiếm đất tự ý xây dựng lán, nhà xưởng kiên cố phục vụ hoạt động cô đúc nhôm với khối lượng tài sản lớn, nhưng lực lượng chức năng vẫn quyết tâm tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm, san lấp trả lại diện tích đất lấn chiếm, bảo đảm thực hiện đúng Luật Đất đai, cho thấy quyết tâm chính trị của huyện đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết: “Tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra nhiều năm trên địa bàn xã, tưởng chừng như không thể giải quyết được. Bởi các hộ đã xây dựng nhà, xưởng sản xuất kiên cố. Sau nhiều biện pháp quyết liệt của huyện và xã, các trường hợp vi phạm đất đai cũng được giải quyết. Nhưng sau đó có một vài trường hợp tái chiếm, chính quyền nhắc nhở, xử lý kịp thời, kiên quyết không để tái diễn tình trạng xây dựng các công trình kiên cố trên đất vi phạm”.
Không chỉ tại Yên Trung, Văn Môn, theo kết quả rà soát, thời điểm cuối năm 2016, trên địa bàn huyện Yên Phong có 1.908 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai; 1.465 trường hợp không phù hợp quy hoạch đất ở; 1.248 trường hợp vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

Cần quyết liệt xử lý dứt điểm

Trước thực trạng vi phạm đất đai, ngày 24-2-2017 Ban Thường vụ Huyện uỷ Yên Phong ban hành Nghị quyết số 83 về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai, giải quyết khắc phục tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, bán đất trái thẩm quyền trên địa bàn huyện. Ngày 2-3-2017, UBND huyện ban hành kế hoạch số 205 và 206/KH-UBND về giải quyết tình trạng lấn, chiếm đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung. Quyết tâm chính trị của Yên Phong là chấm dứt ngay tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, bán đất trái thẩm quyền; tập trung giải quyết khắc phục trên địa bàn toàn huyện chậm nhất vào năm 2018.
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 83 và Kế hoạch 205, 206 của huyện, vấn đề lấn chiếm vi phạm đất đai tại Yên Phong đã thuyên giảm đáng kể, song tình trạng tái chiếm vẫn xảy ra ở một số địa phương, khó giải quyết dứt điểm. Toàn huyện hiện còn hơn 1.000 trường hợp vi phạm không phù hợp quy hoạch về đất đai (giảm 908 trường hợp). Con số này vẫn chưa đạt mục tiêu Nghị quyết 83 và Kế hoạch 205, 206 của huyện đặt ra. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp vi phạm mới phát sinh và tái diễn, nhất là tại các xã nằm giáp ranh các KCN tập trung.

 

Hiện trạng khu đất vừa được cưỡng chế tại thôn Trần Xá, xã Yên Trung.


Kiên định với mục tiêu đã đề ra, Yên Phong thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách về vấn đề này. Theo đó, định kỳ hàng quý, Ban chỉ đạo phải báo cáo công tác rà soát, đôn đốc, xây dựng phương án giải quyết các trường hợp vi phạm về đất đai. Yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai như: Luật Đất đai, các văn bản của tỉnh, của huyện về quản lý đất đai đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý đảng viên có hành vi vi phạm về đất đai. Với cách làm đó đã có hàng trăm lượt tổ chức Đảng triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 83 của Huyện ủy và Kế hoạch 205, 206 của UBND huyện. Qua giám sát, phát hiện nhiều lượt đảng viên vi phạm về lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, huyện đã tiến hành kỷ luật, kiểm điểm sâu sắc đối với đảng viên vi phạm, làm gương cho các tầng lớp nhân dân trong huyện. Đồng thời thường xuyên thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất và các nội dung liên quan để có biện pháp xử lý quyết liệt, dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp khả thi để chấm dứt tình trạng vi phạm đất đai, tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Hoà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẳng định: Biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng vi phạm lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn huyện Yên Phong hiện nay chính là buộc phải tháo dỡ tất cả các công trình vi phạm và có sự giám sát cộng đồng về lâu dài. Những tồn tại vi phạm đất đai ở Yên Phong một phần do lịch sử để lại, phần khác là do đặc thù của địa phương đang chuyển dịch mạnh mẽ từ kinh tế nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên kéo theo nhiều hệ luỵ xấu. Nhiều công trình sai phạm kéo dài nhiều năm, không được phát hiện kịp thời, để người dân đầu tư xây dựng công trình kiên cố nên rất khó giải quyết. Còn các trường hợp lấn chiếm dựng lều quán bán hàng thì liên tục tái diễn vi phạm, do lợi nhuận quá cao từ nhu cầu sử dụng dịch vụ trong các KCN; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính, nhắc nhở. Ở một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, giám sát nên chưa phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm, nhất là hiện tượng lấn chiếm đất thùng vũng, ao hồ nằm xen kẹp trong dân để tự ý xây dựng các công trình kiên cố. Với thực trạng như vậy nếu không xử lý dứt điểm, đồng bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh của người dân cũng như môi trường đầu tư của địa phương. Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tham mưu với huyện ban hành các quyết định phạt tiền và buộc các hộ vi phạm phải tháo dỡ công trình đúng thời hạn theo cam kết. Nếu cố tình không thực hiện sẽ xây dựng phương án cưỡng chế, buộc trả nguyên hiện trạng. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm, tạo sức răn đe mạnh đối với tình trạng vi phạm đất đai hiện nay trên địa bàn huyện.
Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm đất đai và báo cáo UBND huyện, Công an huyện để bố trí lực lượng hỗ trợ. Đối với những trường hợp vi phạm không phù hợp quy hoạch mà đã xây dựng nhà kiên cố, việc xử lý gặp khó khăn như không có đường cho xe xúc vào, tình hình an ninh trật tự cần phải xem xét… địa phương phải báo cáo cấp trên xin ý kiến từng trường hợp cụ thể. Đi đôi với công tác xử lý, cưỡng chế vi phạm, các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích để kịp thời phát hiện các sai phạm trong sử dụng đất, có các biện pháp giải quyết kịp thời.
Đất đai là nguồn lực đầu vào của các hoạt động kinh tế - xã hội, giải quyết tốt các vấn đề về đất đai, trong đó có việc xử lý triệt để các vi phạm sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế, góp phần ổn định xã hội. Trên quan điểm mọi vi phạm đều phải được rà soát, phát hiện, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, rõ đến đâu, xử lý đến đó, Yên phong yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 83-NQ/HU của Huyện ủy và Kế hoạch 205 và 206/KH-UBND của UBND huyện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo để tài nguyên đất đai thực sự là nguồn lực của sự phát triển.

Phóng sự của Thái Uyên - Hoài Lan