Báo động tình trạng trộm cắp điện

01/08/2022 20:00 Số lượt xem: 1760
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh tăng trưởng tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế, kèm theo đó là tình trạng trộm cắp điện diễn biến khá phức tạp. Thủ đoạn trộm cắp điện khá đa dạng, từ câu, móc trực tiếp vào đường dây đến tác động vào công tơ điện tử làm sai lệch số đo theo hướng có lợi cho người dùng điện. Tình trạng trộm cắp điện đang gióng lên hồi chuông báo động về sự mất an toàn lưới điện cũng như an toàn tính mạng của con người.

Thủ đoạn tinh vi
Mặc dù đã có những giải pháp đồng bộ từ công tác đầu tư đến việc quản lý vận hành để hạn chế sự cố, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện thời gian qua vẫn xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Ninh, năm 2021 toàn tỉnh phát hiện, xử lý 180 vụ trộm cắp điện, tăng 268% so với năm 2020, truy thu 701.559 kWh, tăng 421% so với năm 2020, với tổng số tiền bồi thường gần 2,5 tỷ đồng tăng 443% so với năm 2020. Trong đó, có 2 vụ trộm cắp điện với sản lượng hơn 20.000 kWh, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Sản lượng điện năng truy thu đã góp phần làm giảm tổn thất hạ áp của đơn vị là 0,04% và giảm tổn thất điện năng toàn Công ty là 0,01%. Đơn vị gửi 180 hồ sơ vi phạm sử dụng điện sang các cơ quan có thẩm quyền, trong đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được 39 vụ, với số tiền phạt thu về cho ngân sách hơn 457 triệu đồng. Trong năm thực hiện truy thu sai giá bán điện được 78 vụ, số tiền truy thu hơn 190 triệu đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay phát hiện, xử lý 30 vụ trộm cắp điện, truy thu 131,899 kWh, tăng số tiền bồi thường hơn 467 triệu đồng.
Theo ông Trần Xuân Đông, trưởng phòng Kiểm tra Giám sát mua bán điện (KTGSMBĐ): Các vụ trộm cắp điện có diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi gây mất an toàn và tổn thất điện năng. Nhiều đối tượng trộm cắp điện trước đây từng là thợ điện của các hợp tác xã dịch vụ nên có nhiều mánh khóe khá tinh vi nhằm qua mặt nhân viên Điện lực và cơ quan chức năng. Đã xuất hiện một số ổ nhóm trộm cắp điện chuyên nghiệp tìm đến khách hàng có sản lượng lớn, phát sinh nhiều tiền điện, sau khi thoả thuận được tiền công, chúng tác động đến công tơ điện tử làm cho công tơ nhìn bề ngoài như vẫn hoạt động bình thường, nhưng thực tế không đếm đủ lượng điện năng sử dụng. Với hình thức tác động đến công tơ rất tinh vi và chuyên nghiệp, nếu chỉ kiểm tra sơ bộ bằng mắt thường thì rất khó phát hiện. Trong khi đó, một số cơ quan chức năng chưa hiểu đúng về hành vi vi phạm pháp luật trong trộm cắp điện dẫn đến việc phối hợp để đấu tranh xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng làm công tác KTGSMBĐ của các đơn vị còn mỏng do thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn còn chưa đồng đều.
 

Xử lý nghiêm minh
Với đội ngũ công nhân điện lực thường xuyên kiểm tra, giám sát thì việc “câu” trộm điện thông qua đấu nối vào đường dây rất dễ dàng bị phát hiện và xử lý. Thế nhưng, với những đối tượng trộm cắp tinh vi hơn, thông qua việc tác động vào công tơ điện, làm sai lệch chỉ số điện năng tiêu dùng theo hướng giảm xuống lại rất khó để phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngành Điện chấp nhận “buông xuôi” mặc cho trộm cắp hoành hành. Trường hợp 2 bị cáo Phạm Đình Dũng (sinh năm 1987; thường trú tại thôn Quế Tân, xã Quế Tân, huyện Quế Võ) và Phạm Thị Thanh Hòa (sinh năm 1979; thường trú tại khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) mới bị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” mới đây là một ví dụ tiêu biểu.
Khoảng tháng 11-2020 và tháng 5-2021, Phạm Thị Thanh Hòa thuê Phạm Đình Dũng dùng thủ thuật tác động vào công tơ điện của khách sạn Win 99 ở Chu Mẫu, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh và nhà riêng của Hòa ở khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh để làm sai lệch hệ thống đo đếm điện trên công tơ điện của Công ty Điện lực Bắc Ninh nhằm mục đích trộm cắp điện. Dũng đã dùng bấm móng tay, kìm, tô vít, dây điện và một số dụng cụ khác tác động vào công tơ điện làm cho hệ thống đo đếm trên công tơ điện bị sai lệch. Tổng sản lượng điện mà Hòa và Dũng đã chiếm đoạt của Công ty Điện lực Bắc Ninh tại khách sạn Win 99 và nhà riêng của Hòa là 25.078 kWh với giá trị bằng tiền chưa thuế VAT hơn 67 triệu đồng, đã tính thuế VAT hơn 74 triệu đồng. Dũng được Hòa trả công 7,5 triệu đồng. Đáng nói, để phát hiện và đưa được 2 đối tượng ra xét xử tại toà án, Điện lực Bắc Ninh và các đơn vị chức năng phải mất rất nhiều công sức. Phát hiện tình hình sử dụng điện của khách sạn Win 99 có biến động đáng ngờ, Điện lực Bắc Ninh đã theo dõi chặt chẽ và lên phương án đấu tranh. Đơn vị đưa ra thông tin sẽ tổng kiểm tra công tơ toàn khu vực phường Vân Dương. Do lo sợ bị phát hiện trộm cắp điện qua kiểm tra nên Hoà đã điện thoại cho Dũng yêu cầu tác động để đưa công tơ điện của khách sạn Win 99 về chỉ số bình thường. Khi Dũng trèo lên tháo công tơ điện đã bị ghi hình thông qua camera do Điện lực Bắc Ninh lắp đặt trước đó. 32 tháng tù giam đối với Phạm Đình Dũng và 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với Phạm Thị Thanh Hòa về tội “Trộm cắp tài sản” là bài học đích đáng cho hành vi coi thường pháp luật của các bị cáo. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những người đã, đang và sẽ có ý định trộm cắp điện.

Theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1-2022, người dân sẽ bị phạt tiền từ 4-10 triệu đồng với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng. Khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Theo lãnh đạo Công ty Điện lực, thông qua công tác tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm sử dụng điện, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã phát hiện sớm các trường hợp trộm cắp điện và có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Mặt khác trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dùng điện, không để tình trạng vi phạm tái diễn, góp phần ổn định công tác quản lý bán điện. Thời gian tới, đơn vị tập trung củng cố lực lượng, trang bị các thiết bị hỗ trợ, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm công tác KTGSMBĐ. Triển khai app KTGSMBĐ hiện trường. Cùng với đó là thực hiện kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu bất thường hoặc tin báo trộm cắp điện của nhân dân. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành Điện lực, Công an, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương để tuyên truyền, răn đe, xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm sử dụng điện. Tăng cường công tác kiểm tra áp giá bán điện, thực hiện tốt công tác truy thu khi phát hiện khách hàng sai giá.
Để hạn chế đến mức thấp nhất sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân, vi phạm hành lang an toàn lưới điện và quy định sử dụng điện ngoài những nỗ lực từ phía ngành Điện rất cần sự quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các địa phương, ban, ngành trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và tuyên truyền an toàn điện, xử lý vi phạm đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm, tránh xảy ra sự cố, tai nạn đáng tiếc.

Thái Uyên-Thanh Hương

Pháp luật