Trồng dưa lê siêu ngọt cho hiệu quả kinh tế cao

01/12/2021 19:43 Số lượt xem: 1298
Thực hiện chủ trương của tỉnh là tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác. Đưa các giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững, thâm canh và chuyên canh cao. Từ vụ xuân năm 2021, Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Quế Võ và Tiên Du triển khai mô hình “Trồng dưa lê siêu ngọt theo hướng an toàn sử dụng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE” với quy mô 8 ha tại thôn Hôm, xã Đào Viên, huyện Quế Võ (5,5 ha) và thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (2,5ha).

Giống dưa lê siêu ngọt được sử dụng trong mô hình là giống F1 Ngân Huy (V0233) có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, cây sinh trưởng khỏe, dạng trái đều, đẹp, khi chín quả chuyển sang màu trắng ngà, thịt quả giòn ngon và rất ngọt. Điểm khác biệt của mô hình đó là phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE được đưa vào sử dụng để bón lót và bón thúc lần 1. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính giúp cho cây dưa sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh bền, cành vươn dài, nhiều hoa, tăng khả năng đậu quả, nâng cao sức sống cây trồng tăng năng suất và chất lượng quả đặc biệt hạn chế bệnh héo xanh và lở cổ rễ.
Tham gia mô hình các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao hỗ trợ 50% kinh phí mua hạt giống dưa lê, 50% lượng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE và ni lông phủ luống.
Để bảo đảm xây dựng mô hình thành công, Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn cho người dân từ khâu ngâm ủ hạt giống, ươm, đưa ra ruộng đến cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch dưa. Kết quả hầu hết các hộ tham gia mô hình đã trồng dưa với mật độ từ 500-550 cây/sào, thực hiện tốt các khâu chăm sóc, bón phân, kỹ thuật bấm ngọn… để các nhánh phát triển tự nhiên, cho quả to đẹp, bảo đảm màu sắc trắng ngà, không có vân xanh và không bị vàng quả.
Ông Nguyễn Văn Dũng thôn Hôm, xã Đào Viên cho biết: “Gia đình tôi đã trồng dưa lê được gần 5 năm, tôi thấy cây dưa lê rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn nhưng hay bị bệnh lở cổ rễ giai đoạn cây con nhất là trên những ruộng chuyên canh. Vụ xuân năm nay, được Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao hỗ trợ và hướng dẫn bón phân đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE cho dưa, tôi thấy bệnh lở cổ rễ và héo xanh giảm rất nhiều. Không những thế cây dưa lê còn sinh trưởng phát triển tốt nhiều hoa, quả nên năng suất dưa của gia đình tôi đạt khoảng 13,4 tấn/ha. Với giá bán trung bình 12.000đồng/kg thì gia đình tôi cũng thu được khoảng hơn 120 triệu đồng/ha”.
Hầu hết các hộ trồng dưa lê siêu ngọt trong mô hình đều khẳng định việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh giúp cây dưa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh nên sẽ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Mô hình còn sử dụng nilong phủ luống nên hạn chế rất nhiều cỏ dại và một số sinh vật gây hại. Theo ông Đỗ Xuân Nghĩa, hộ tham gia mô hình với diện tích 1,5 ha cho biết:  Trồng dưa lê không khó nhưng để cây sinh trưởng phát triển tốt thì người dân ngoài chú trọng phân bón thì điều quan trọng là phải chú ý phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước và khi cây ra đủ 6-8 lá cần ngắt ngọn thường xuyên để cho quả sai, đều, đẹp.  
Tuy nhiên đại dịch COVID-19 xuất hiện trên toàn địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân nói chung và người trồng dưa nói riêng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Đình Tân thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du cho biết: “Gia đình tôi trồng 2,5 ha dưa lê siêu ngọt trong mô hình do Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh triển khai. Tôi thấy sử dụng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma + TE không chỉ giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, nhiều quả mà còn giảm sâu bệnh, quả có vị ngọt mát và thơm ngon. Đầu vụ các thương lái đến tận ruộng thu mua dưa với giá 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí gia đình tôi cũng thu được khoảng 300 triệu đồng”.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình trồng dưa lê siêu ngọt theo hướng an toàn sử dụng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE của Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao không chỉ giúp tăng chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân địa phương trong việc sản xuất bền vững, đảm bảo sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.
Theo ông Trần Xuân Dẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh, những năm qua, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất rau, quả trên địa bàn phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất rau, quả cho hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù dưa lê được trồng rộng rãi tại nhiều địa phương trong tỉnh, song loại cây trồng này chủ yếu được bà con trồng trong các vụ Xuân và mang tính tự phát. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ‘’được mùa mất giá” người dân cần chú ý trồng rải vụ và cần sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó hình thành sự liên kết theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ, hình thành các vùng trồng trọt hàng hóa,  đảm bảo năng suất và đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hồng Nhung, Trung tâm Khuyến nông và PTNNCNC