Lời giải cho môi trường nông thôn

25/08/2021 20:31 Số lượt xem: 2479
Bài II: Bài toán đã có lời giải

Hơn 2 năm thực hiện lộ trình làm sạch môi trường nông thôn của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt vào cuộc, ban hành Chỉ thị, Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp xử lý môi trường thông minh vào thực tiễn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Bài toán về làm sạch môi trường nông thôn kỳ vọng có lời giải thỏa đáng.

Nhân rộng hình mẫu nông thôn xanh.

 

Lan tỏa hình mẫu “nông thôn xanh”
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm đã trở thành nền nếp ở nhiều xóm, thôn trong tỉnh. Làng Nông thôn mới kiểu mẫu thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao (Lương Tài) là một điển hình về hình mẫu “nông thôn xanh” khi đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, khang trang, hiện đại, 2 bên đường người dân trồng cây xanh và những thảm hoa, vừa tô thắm cho làng quê, vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên. Ở đó, vào mỗi chủ nhật, người dân trong thôn tham gia dọn vệ sinh môi trường, quét sạch đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, cùng bảo nhau để rác đúng nơi quy định. Trong mỗi gia đình, rác được phân loại, vừa tận dụng làm phân bón cho cây trồng, bán phế thải, rác vô cơ thì tập kết đúng nơi quy định. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã thực sự đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp, thói quen của mỗi người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc, hội viên Chi hội Phụ nữ trong thôn phấn chấn: “Tổ phụ nữ chúng tôi làm gương trước mọi hoạt động về bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, hoa tươi, dọn vệ sinh đồng ruộng, vệ sinh trong chăn nuôi, để rác đúng nơi quy định... Công việc cũng không vất vả bao nhiêu nhưng nhìn xóm thôn sạch đẹp, càng tạo động lực cho chị em tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn”. Từ hành động nhỏ của người dân thôn Ngọc Quan đã truyền cảm hứng sang các thôn, xã lân cận, thu hút đông đảo người làm theo.
Từ những mô hình “nông thôn xanh” và thông qua công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể mà nhiều phong trào về bảo vệ môi trường lồng ghép với phát triển kinh tế- xã hội được hình thành và lan tỏa trong cộng đồng dân cư như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025 và chống rác thải nhựa trong thanh niên cấp toàn quốc; Phong trào “Ngày Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ Nhật xanh”; “Hành trình xanh”; “Phụ nữ Bắc Ninh chung tay bảo vệ môi trường”, “10 phút vì quê hương xanh- sạch- đẹp; Phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương chung tay xây dựng Nông thôn mới...
Theo ông Đào Duy Hữu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, phát huy vai trò chủ thể hội viên nông dân, Hội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương tiến hành lắp đặt, quản lý và sử dụng thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và triển khai mạnh mẽ phong trào vệ sinh đồng ruộng đến 8 huyện, thị xã, thành phố và 121 cơ sở Hội. Trung bình mỗi năm thu gom khoảng hơn 20 tấn vỏ bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật và gần 100 tấn  rác thải đồng ruộng. Đến nay, 100% cánh đồng được làm sạch môi trường trong toàn tỉnh.
Tỉnh đang đẩy mạnh quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức phát triển chăn nuôi quy mô trung bình và lớn, bảo đảm vệ sinh môi trường; di dời các cơ sở chăn nuôi ra khu chăn nuôi tập trung. Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng; đối với các hồ ao đã có sẵn, thường xuyên nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy. Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước có nắp kín tại các thôn, làng; hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư nông thôn. Bố trí lắp đặt các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tổ chức thu gom định kỳ 6 tháng/lần để chuyển đến đơn vị có đủ chức năng xử lý. Trang bị xe thu gom rác, khuyến khích, hỗ trợ thành lập HTX thu gom, vận chuyển rác thải và các Tổ thu gom rác trong khu dân cư, hạn chế thấp nhất lượng chất thải phát sinh ngoài môi trường.

Hội viên phụ nữ Gia Bình hưởng ứng tích cực xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO.

 

IMO-giải pháp thông minh cần nhân rộng
Khảo sát thực tế tại gia đình bà Vũ Thị Khánh, thôn Phú Ninh, thị trấn Gia Bình (Gia Bình) cho thấy rõ hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt bằng men vi sinh IMO. Bà Đương chia sẻ: “Chất thải từ rau củ quả, thức ăn thừa, tôi ủ vi sinh thành phân hữu cơ, xử lý IMO, bón rau vừa tốt, vừa sạch, tăng thu nhập cho gia đình, nước lau nhà, lau các đồ dùng cũng bằng men vi sinh IMO vừa tiết kiệm chi phí, vừa sạch mọi vi khuẩn, phòng bệnh tốt, nhất là trong mùa dịch này”.
Gia Bình là địa phương đầu tiên triển khai mô hình xử lý chất thải bằng IMO (ưu điểm của loại men này là người dùng tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có). Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, Huyện ủy Gia Bình đã ban hành Nghị quyết 01/NQ/HU ngày 08-9-2020 về việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ; giao cho Hội LHPN huyện chủ trì phối hợp với phòng Tài nguyên & Môi trường, một số phòng chức năng và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn về công tác vệ sinh môi trường, hoạt động phân loại, xử lý rác tại hộ bằng phương pháp sử dụng men vi sinh IMO. Hội LHPN huyện lựa chọn thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú làm điểm mô hình “Ứng dụng IMO trong xử lý bãi rác thải và mô hình khu dân cư không thải”. Chi hội Phụ nữ thôn Phú Dư được giao làm men vi sinh IMO đậm đặc để xử lý điểm tập kết rác thải tập trung của thôn. Kết quả, ban đầu cho thấy, nếu như trước kia, toàn thôn phát sinh khoảng hơn 1 tấn rác thải/ngày, đêm về bãi rác tập trung của thôn, rất nhanh tràn đầy, không xử lý kịp, thì sau khi gần 80% số hộ tham gia thực hiện mô hình sử dụng IMO, lượng rác phát thải giảm khoảng 70%; bãi rác tập trung không còn mùi hôi thối, không còn nhiều ruồi, bọ, rác đã phân huỷ và xẹp rất nhiều. Ngay sau khi nhận thấy rõ kết quả, Hội LHPN huyện phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho tất cả các xã, thị trấn làm men IMO để xử lý rác thải hữu cơ. Toàn huyện có 7/14 cơ sở triển khai thực xử lý rác bằng IMO tại 48/67 điểm tập kết rác. Kết quả giảm 50% lượng rác thải tại các bãi tập kết, cơ bản hết mùi hôi, ruồi, muỗi. Để khuyến khích phong trào, huyện hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ làm men vi sinh IMO cho các địa phương.
Chị Nguyễn Thị Nhưng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện nhấn mạnh: Mô hình “khu dân cư không rác thải” là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hành động của các cấp Hội. Đến nay, Gia Bình ra mắt 4 khu dân cư không rác thải tại các xã Quỳnh Phú, Nhân Thắng, Bình Dương và thị trấn Gia Bình. Hội tham mưu với huyện xây dựng Kế hoạch triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình trên địa bàn toàn huyện. 14/14 Hội LHPN xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình. Từ hiệu quả bước đầu có thể định hướng cho hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh để cùng chung tay làm sạch môi trường.
Từ thực tiễn huyện Gia Bình, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh cũng chỉ đạo triển khai mô hình phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp sử dụng  men vi sinh IMO trong bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng Ban Kinh tế, Hội LHPN tỉnh chia sẻ:  Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền vận động được 45.332 gia đình hội viên phụ nữ (22,3%) thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và sử dụng men IMO để xử lý rác hữu cơ đã phân loại; có 357 mô hình kinh tế hộ, HTX do phụ nữ làm chủ ứng dụng IMO trong sản xuất và chăn nuôi… Đặc biệt, một số trang trại do hội viên phụ nữ làm chủ “xin rác hữu cơ” về ủ với men IMO để làm phân bón sạch cho cây trồng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm thiểu rác thải ra môi trường, góp phần chung tay xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, bền vững. Từ mô hình xử lý rác hữu cơ bằng men IMO các cấp Hội đã tạo sinh kế cho hội viên phụ nữ trồng rau an toàn bằng IMO tự sản xuất; trồng  cây thảo dược... đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo động lực giúp phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp.
Tỉnh đã có Văn bản số 2285/UBND-NN.TN về việc tăng cường triển khai mô hình phân loại rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO tại hộ, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình trong toàn tỉnh. Để tiếp tục nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh IMO, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của hội viên phụ nữ và nhân dân về bảo vệ môi trường; hướng dẫn hội viên phụ nữ phân loại, xử lý rác hữu cơ tại gia đình; nhân rộng các mô hình “Khu dân cư không rác thải”, “làng 3 sạch”, “làng nông thôn mới kiểu mẫu”; chỉ đạo mỗi xã chọn một chi hội làm mô hình điểm phân loại rác và thực hành làm men IMO để xử lý rác hữu cơ tại hộ, đưa vào nội dung đánh giá thi đua hàng năm; vận động các HTX, các tổ liên kết do Hội thành lập, các gia đình hội viên phụ nữ tận dụng các vật dụng và nguyên liệu sẵn có để xử lý rác thành phân bón hữu cơ; xây dựng Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng men vi sinh IMO”.
Xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn bằng men vi sinh IMO là chủ trương chung của tỉnh, cần khuyến khích, nhân rộng. Mô hình này được triển khai đã đem lại hiệu quả “kép” là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Giải pháp thông minh này chính là chìa khóa cho sự thành công trong giải quyết bài toán rác thải nông thôn hiện nay.

Thái Uyên - Hoài Lan

Nông nghiệp