Doanh nghiệp “vượt sóng” dịp cuối năm

27/11/2022 20:18 Số lượt xem: 2009
Nếu như những năm trước, dịp cuối năm là mùa tăng tốc sản xuất, kinh doanh để các doanh nghiệp (DN) hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Song năm nay càng về cuối năm, nhiều yếu tố bất lợi như: lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng DN, từ lĩnh vực sản xuất đến tiêu dùng. Cùng với đó là các yếu tố khác như: chi phí lưu động cho sản xuất, chuẩn bị nguồn tiền để trang trải lương thưởng dịp cuối năm... cũng là các vấn đề mà DN phải tính toán.

Các doanh nghiệp sản xuất, gia công ngành hàng may mặc đang gặp khó khăn thời điểm cuối năm.

 

Trước hết là lạm phát tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trong nước. Những năm trước, thời điểm này, hơn 2.000 công nhân Công ty CP May Đáp Cầu thường xuyên phải tăng ca để đáp ứng yêu cầu đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu… Song năm nay, đơn hàng ít, Công ty phải cho người lao động nghỉ thứ 7; có Xí nghiệp phải luân phiên cho công nhân nghỉ thêm 1-2 ngày trong tuần.
Không chỉ lĩnh vực sản xuất mà lĩnh vực thương mại trong nước, tình hình cũng không có nhiều tín hiệu lạc quan. Gần 50 xe tải của Công ty CP Vận tải CMC Bắc Ninh (KCN Quế Võ) chuyên vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu cho các đối tác phải hoạt động hết công xuất, có thời điểm phải thuê, hợp tác thêm với hàng chục xe bên ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 9-2022 tới nay, những tác động bất lợi từ thị trường gần đây đơn vị chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ông Hoàng Tiến Du, Giám đốc công ty cho hay, đơn hàng bị sụt giảm, so với năm ngoái, thời điểm này sức tiêu thụ chỉ khoảng 60-70%. Thậm chí, có những đơn hàng đã ký kết từ đầu năm cũng bị đối tác huỷ bỏ bới không xuất khẩu được. Rất kỳ vọng giáp Tết,  doanh số kinh doanh sẽ nhích dần lên.
Bên cạnh sức tiêu thụ của thị trường thì vấn đề vốn lưu động cũng đang là nỗi âu lo của không ít DN. Đại diện một DN chuyên về lĩnh vực xây dựng các công trình lớn, nhà xưởng công nghiệp cho hay, thời gian này đang phải vất vả thu hồi các công nợ cũ. Lĩnh vực xây dựng chi phí ban đầu lớn nhưng do phải cạnh tranh và nhu cầu sụt giảm, doanh nghiệp triển khai ưu đãi nhất định với khách hàng, nhưng công nợ dồn về cuối năm khiến dòng tiền của DN rất khó khăn. Đây cũng là khoảng thời gian mà các DN đang phải tìm nguồn thu để chi trả mức lương và thưởng Tết cho người lao động nên phải tính toán thật chi li.
Đối với cộng đồng DN, vài năm gần đây trước những tác động bất lợi dồn dập, họ đã phần nào có sức chống chọi nhất định nhưng cũng rất khó khăn. Trong bối cảnh cả châu Âu đang vật lộn với lạm phát tăng chóng mặt, giá nguyên liệu nhập về không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm. Song đáng lo hơn là các tác động bất lợi này có nguy cơ còn kéo dài, cộng với lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng lên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và chi phí của DN.
Nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian tới, khó khăn của DN trong nước không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ, xăng dầu thế giới diễn biến khó lường. Những tác động từ bên ngoài như: đồng tiền của nhiều nước giảm giá mạnh, lạm phát tăng cao, mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, giá nguyên vật liệu tăng cao… có thể khiến DN gặp khó khăn nếu không chủ động có những giải pháp ứng phó. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 10 vẫn đang gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 10- 2022 giảm 1,11% so với tháng 9-2022 và 0,95% cùng kỳ 2021. Đa phần mức tăng trưởng về xuất khẩu hiện vẫn do hoàn thành các đơn hàng cũ, ký kết từ đầu và giữa năm.
Để ứng phó với khó khăn, các doanh nghiệp, nhất là nhóm các ngành dệt may, sản xuất giấy bao bì, đồ uống, sản phẩm gỗ… đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật do chưa có nhiều đơn hàng mới. Đồng thời, nghiên cứu thêm các nhóm sản phẩm đặc sắc, có giá trị gia tăng cao hơn để giảm thiểu rủi ro; tập trung khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại để hưởng các ưu đãi về thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác.
Dù đã linh hoạt triển khai các giải pháp để tiết giảm các khâu trung gian, tối ưu hóa chi phí sản xuất và ứng dụng công nghệ nhưng sức chịu đựng của các DN nói chung cũng có giới hạn; rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài để DN tìm thêm đối tác, thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là hỗ trợ DN được giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, chậm thu thuế, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng… tránh đứt gãy sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Yến Ngọc