Canh tác trong nhà màng - hướng đến nền nông nghiệp xanh

25/11/2022 20:29 Số lượt xem: 2250
Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, hệ thống giao thông phát triển, thuận lợi trong việc thông thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước... là cơ hội để Bắc Ninh phát triển toàn diện, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó, sản xuất rau, củ, quả an toàn đặc biệt được chú trọng, là nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh hiện hữu.

Rau, củ, quả an toàn đã trở thành nguồn cung thực phẩm thiết yếu trong các bếp ăn tập thể phục vụ các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng… trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng khi nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày một cao. Đây chính là động lực, đích đến cho các cơ sở sản xuất rau, quả an toàn của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Sản xuất dưa baby trong nhà lưới.


Sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng CNC trong nhà màng, nhà lưới được nhiều tổ chức, cơ sở, đưa vào sản xuất từ những năm 2013, 2014 chủ yếu là các loại rau ăn lá. Với ưu điểm hạn chế sâu bệnh, côn trùng, địch hại gây ra, công nghệ ứng dụng chủ yếu tưới phun mưa hoặc tưới vòi bán tự động, cho năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng vượt trội, đến nay diện tích sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới phát triển mạnh, đạt hơn 30 ha, gồm các loại rau thủy canh trong nhà màng: Cải các loại, rau muống, cải bắp, lơ xanh, trắng; củ quả cà chua, su hào, dưa các loại trong nhà lưới. Hệ thống rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, có kiểm soát dinh dưỡng, hệ thống châm phân tự động bằng phần mềm thông qua thiết bị cảm biến, điều tiết nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, trồng cây trên giá thể... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, tăng mùa vụ sản xuất gấp nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích so với phương pháp sản xuất truyền thống.
Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, quả cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản, quy mô 10 ha nhà màng, nhà lưới của Công ty TNHH May Hồ Gươm, xã Lâm Thao (Lương Tài); mô hình sản xuất rau, quả các loại gắn với thương hiệu phục vụ sơ chế bán cho các cửa hàng, siêu thị, quy mô 2 ha nhà màng, nhà lưới của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, xã Minh Tân (Lương Tài); chuyên sản xuất dưa chuột baby trong nhà màng có hệ thống điều khiển độ ẩm, nhiệt độ cung cấp cho các siêu thị, quy mô 0,5 ha của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, xã Nhân Thắng (Gia Bình); sản xuất dưa lưới trong nhà màng cung cấp cho các siêu thị của hộ ông Nguyễn Xuân Thám, xã Lãng Ngâm (Gia Bình); sản xuất nho hạ đen và một số loại cây ăn quả ứng dụng CNC, quy mô 0,5ha tại HTX Nông nghiệp sạch Bình Dương (Gia Bình); sản xuất hoa lan Hồ điệp trong nhà kính của Doanh nghiệp tư nhân cây xanh Phú Lâm (Tiên Du), tỉnh Bắc Ninh) và khu thực nghiệm ứng dụng CNC xã Việt Đoàn (Tiên Du)...
Theo ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc ứng dụng CNC trong sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất rau, quả nói riêng là đòi hỏi tất yếu trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn trên thị trường lại tăng cao. Ngành Nông nghiệp phấn đấu đưa giá trị sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC chiếm khoảng 35%-40% tổng giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh đến năm 2025. Vì vậy, cùng với việc vận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo phê duyệt của tỉnh “Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương đẩy mạnh áp dụng các giải pháp khoa học vào sản xuất như: Tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ 4.0, cơ giới hóa, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến ICM, IPM, VietGAP… vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống quản lý thông minh; đẩy mạnh công nghệ châm phân tự động, tưới tự động kết hợp dinh dưỡng, công nghệ tự điều khiển nhiệt độ bằng hệ thống cảm biến, công nghệ canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể); quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng; đưa công nghệ số, công nghệ thông tin vào ứng dụng trong sản xuất rau, quả an toàn, góp phần tăng cường công tác quản lý, minh bạch thông tin sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đồng thời khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đứng ra tích tụ ruộng đất, liên doanh, liên kết bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần… để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết, xuất khẩu. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX, chú trọng kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, nghiệp vụ tổ chức, quản lý, kế hoạch, tài chính, phương pháp tiếp cận thị trường, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ngành Nông nghiệp tham mưu tỉnh tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là thành phố Hà Nội trong việc sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả sạch, an toàn; quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh qua các kênh tiêu thụ như các cơ sở chế biến, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng ăn uống, các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức như sàn giao dịch, chợ thương mại điện tử, triển lãm, hội chợ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, bắt nhịp cùng thời đại công nghệ số.

Hoài Anh