Chăm lo đời sống người khiếm thị

17/09/2021 16:07 Số lượt xem: 2530
Dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc sống của những người bình thường vốn đã khó khăn, với người yếu thế, người khiếm thị, không việc làm thì sự khó khăn càng nhân lên gấp bội. Thấu hiểu điều đó, Hội Người mù tỉnh triển khai nhiều hoạt động góp phần chăm lo, hỗ trợ cho hội viên.
Cùng đoàn thiện nguyện Tuệ Tâm đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hiệu, thôn Đạo Sử (Thị trấn Thứ, huyện Lương Tài), chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống vất vả của những người khiếm thị trong bối cảnh dịch bệnh. Bị mù bẩm sinh, anh Hiệu vẫn luôn có niềm tin vào cuộc sống và cố gắng trở thành người có ích cho xã hội. Sau khi lập gia đình, cuộc sống của anh cùng vợ và 2 con nhỏ tạm đủ với số tiền lương có được từ công việc bấm huyệt, xoa bóp. Tuy nhiên, hơn 3 tháng qua công việc vốn mang lại thu nhập chính cho gia đình của anh buộc phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gia đình 4 người chỉ trông vào khoản trợ cấp hàng tháng và sự giúp đỡ của các đơn vị, nhà hảo tâm.  “ Sự hỗ trợ của tổ chức Hội và các nhà hảo tâm dành cho gia đình tôi lúc này thật vô cùng đáng quý, không chỉ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trong dịch bệnh mà còn cảm thấy mình được quan tâm, chia sẻ, để từ đó có thêm động lực tiếp tục lao động, sống có ích”. Anh Hiệu chia sẻ.

 

Hội Người mù huyện Gia Bình trao hỗ trợ người mù khó khăn do dịch bệnh COVID-19

 

Nhằm tiếp sức cho người mù khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19, từ đầu tháng 7 đến nay, Hội Người mù tỉnh phối hợp các địa phương, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ gần 10 tấn gạo, gần 100 triệu tiền mặt, 500 hộp khẩu trang và nước sát khuẩn, cùng các nhu yếu phẩm khác cho hơn 1000 lượt người mù;  phối hợp các nhóm, hội thiện nguyện… trao hơn 200 suất quà (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng) và 10 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng các cấp Hội Người mù từ tỉnh đến cơ sở vẫn nỗ lực triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và hoạt động đề ra. Hội duy trì  37 cơ sở dịch vụ xoa bóp giải quyết việc làm cho 136 hội viên và người mù với mức lương trung bình từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng; thành lập Tổ dịch vụ thuộc Trung tâm của tỉnh Hội bước đầu tạo việc làm và đóng bảo hiểm xã hội cho 6 lao động; quản lý 20 dự án và duy trì nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế gia đình; phối hợp mở 1 lớp vi tính và 2 lớp dạy xoa bóp, bấm huyệt nâng cao cho hơn 30 hội viên. Ngoài ra, cùng sự giúp đỡ của các cấp, các ngành  đã hỗ trợ 940 người mù hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên theo Nghị định 28, 136 của  Chính phủ, 1.009 hội viên được hưởng thẻ BHYT và 1.107 gia đình người mù sử dụng nước sạch; 50 cháu đang theo học tại các trường hòa nhập từ tiểu học đến Cao đẳng và Đại học được tặng học bổng từ 1-5 triệu đồng/năm học; hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn; tặng xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập và học bổng cho con của hội viên có hoàn cảnh khó khăn…

Ông Nguyễn Xuân Huế,  Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để chăm lo đời sống cho người khiếm thị, trong đó chú trọng phát triển nghề tẩm quất, sản xuất tăm tre và hàng thủ công, hỗ trợ người khiếm thị vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân thường xuyên quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn nữa để người khiếm thị vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Nguyễn Hoa-Lệ Tuyết