Nhiều cơ hội việc làm cho lao động xuất khẩu về nước

22/05/2022 18:39 Số lượt xem: 1950
Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và cả Nhật Bản hiện vẫn đang ở mức cao, trong đó có không ít lao động Bắc Ninh. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ lao động về nước tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần khắc phục đáng kể tình trạng này.

Tại hội chợ việc làm dành cho lao động Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan vừa được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Thanh (xã Trung Chính, huyện Lương Tài) đến đăng ký tìm việc làm. Từng 2 lần sang Hàn Quốc  làm việc trong thời gian gần 10 năm, hết hạn hợp đồng, anh về nước để đoàn tụ gia đình, không có ý định quay trở lại Hàn Quốc nữa. Anh Thanh cho biết: “Mặc dù mức lương ở Hàn Quốc quy ra tiền Việt Nam là từ 40-50 triệu đồng/tháng nhưng mục tiêu tôi chỉ là tìm một công việc với mức lương vừa phải tại một công ty gần nhà để ổn định cuộc sống. Tại hội chợ việc làm này, tôi thấy khá nhiều cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu, có thể phát huy được những kinh nghiệm làm việc tích lũy được ở Hàn Quốc”.
Có mặt tại hội chợ việc làm để tuyển dụng lao động, ông Kim Jea Kyung, đại diện tuyển dụng Công ty TNHH Intops Việt Nam (KCN Yên Phong) cho biết:“Hiện công ty không chỉ cần lao động phổ thông mà còn cần tuyển dụng lao động kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ, tay nghề, ngoại ngữ. Lao động từng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS rất có tiềm năng, có thể đáp ứng được những yêu cầu đó. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến lực lượng lao động này”.

 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phỏng vấn tuyển dụng lao động tại hội chợ việc làm dành cho lao động EPS về nước.


Theo ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), những lao động từng đi xuất khẩu lao động theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan trở về luôn được đánh giá cao bởi kinh nghiệm tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khả năng nắm bắt công việc nhanh… Vì thế cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất rộng mở.  Thông qua hội chợ việc làm dành riêng cho đối tượng lao động này, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh hình thành một cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và lao động khi về nước. Từ đây, nhiều lao động đã được nhận vào làm việc tại các vị trí có mức lương phù hợp với trình độ, nguyện vọng trong các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Thực tế, cơ hội việc làm dành cho người đi xuất khẩu lao động về nước rất lớn vì doanh nghiệp FDI tại Việt Nam luôn có nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Hội chợ việc làm là hoạt động hữu ích, tạo cơ hội cho người lao động đặc biệt là những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản về nước tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống sau khi về nước. Đây cũng là một trong những giải pháp động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản”.
Với mục đích đó, những năm qua, với sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn tích cực phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức các chương trình hội chợ việc làm, tư vấn, hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động theo các chương trình của Bộ LĐ-TB&XH. Trung bình mỗi năm, tổ chức từ 2-3 hội chợ việc làm thu hút hàng trăm lao động và doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân đang cư trú bất hợp pháp động viên con em về nước đúng quy định; thông báo rõ những nguy cơ, rủi ro và hình thức xử phạt mà người lao động có nguy cơ mắc phải khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc…Nhờ đó, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của Chương trình EPS đều giảm, đạt và vượt cao so với chỉ tiêu, kế hoạch đã thống nhất với phía Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê gần nhất, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm còn 19,87% (trong khi cam kết giảm là 30%). Đây là điều kiện để phía Hàn Quốc mở cửa tiếp nhận trở lại lao động sang làm việc.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm cho lao động EPS và IM Japan về nước với hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả; tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản và người lao động đăng ký qua website của Trung tâm để giới thiệu những người lao động có nguyện vọng đáp ứng yêu cầu tham gia phỏng vấn tìm việc làm; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về việc trau dồi kỹ năng nghề và và năng lực tiếng Hàn, tiếng Nhật trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản để tăng cơ hội tìm việc làm sau khi về nước, yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn ở lại nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Hoài Phương