Hiệu quả giao dịch việc làm trực tuyến

25/05/2022 20:56 Số lượt xem: 1649
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ thị trường lao động qua ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm với hình thức trực tuyến. Đây được coi là giải pháp giúp tăng hiệu quả kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp đồng thời thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh về Bắc Ninh làm việc.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến tại Sàn giao dịch việc làm Bắc Ninh.

 

Mới đây, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh khu vực phía Bắc: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Bình. Số lao động tập trung trực tiếp tại sàn không quá đông song không khí của phiên giao dịch việc làm không hề kém phần sôi động. Tham dự phiên giao dịch có 131 đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp các tỉnh với nhu cầu tuyển dụng hơn 22 nghìn lao động cho hơn 400 vị trí việc làm trống. Hơn 800 người lao động đã đăng ký tham gia thông qua Trung tâm DVVL các tỉnh để được kết nối phỏng vấn tuyển dụng qua hình thức trực tuyến.
Được biết đây là phiên giao dịch việc làm trực tuyến thứ 7 được Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp với Trung tâm DVVL các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức thành công trong khoảng thời gian từ đầu năm tới nay. Trung bình mỗi phiên thu hút hơn 100 doanh nghiệp và gần 1 nghìn người lao động tham gia tư vấn, tuyển dụng việc làm, hơn 20 nghìn vị trí việc làm... Hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm trực tuyến rất tích cực, góp phần thu hút một lượng đáng kể lao động từ các tỉnh về Bắc Ninh làm việc đáp ứng yêu cầu phát triển, phục hồi kinh tế của tỉnh.
Trên thực tế, thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh liên tục đổi mới nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, giới thiệu, thông tin việc làm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hình thức này được tận dụng tối đa nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động mọi lúc mọi nơi, bảo đảm quy định giãn cách phòng chống dịch. Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng đăng tải trên website của Trung tâm DVVL đồng thời cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Về phía người lao động chỉ cần một phương tiện có kết nối Internet (máy tính hoặc điện thoại) là có thể chủ động đăng ký tìm kiếm việc làm qua các kênh trực tuyến như: Website Trung tâm DVVL tỉnh, mạng xã hội Facebook, Zalo…  rút ngắn thời gian tìm hiểu thông tin việc làm và thực hiện phỏng vấn.
Bà Trần Thị Chuyên, đại diện tuyển dụng Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Hanel (KCN Tiên Sơn) cho hay: “Thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến hay kết nối phỏng vấn trực tuyến, người lao động và doanh nghiệp chủ động hơn trong việc trao đổi thông tin, tương tác qua lại dễ dàng. Hiệu quả kết nối vì thế nâng cao đáng kể. Người lao động và doanh nghiệp có thể “gặp nhau” mà không bị phát sinh chi phí, công sức, thời gian. Sau khi phỏng vấn đạt, chúng tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người lao động đó đến doanh nghiệp để làm việc ngay mà không mất thêm thời gian, thủ tục”.
Theo ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, trong kỷ nguyên số, với sức mạnh của công nghệ thông tin, sự dịch chuyển, tiếp xúc trực tiếp sẽ ngày càng ít đi. Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu thế này càng được khẳng định. Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến riêng biệt hay kết hợp nhiều địa phương là giải pháp hiệu quả, góp phần hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp đáp ứng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng tối đa nguồn cung - cầu lao động của các tỉnh. Từ đó giúp người lao động tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng rộng hơn, có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thị trường lao động thành thị với nông thôn, từng bước hình thành một thị trường việc làm chung của Bắc Ninh với các tỉnh, thành phố khác. “Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng. Đặc biệt, việc mở cửa trở lại các hoạt động, phục hồi giao thương khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh những tháng gần đây. Nguồn cung lao động tại chỗ không thể đáp ứng đủ. Trong bối cảnh này, sự kết nối với thị trường việc làm các tỉnh lân cận là vô cùng cần thiết để lấp đầy sự thiếu hụt lao động đó”-Ông Vũ Tiến Thành nhấn mạnh.
Thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh sẽ liên hệ khai thác, nắm bắt nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, chuẩn bị  phương án kết nối với lao động tại các tỉnh phía Bắc đến làm việc tại Bắc Ninh; đưa việc tư vấn giới thiệu việc làm trực tuyến đi vào nền nếp. Mục tiêu đặt ra là trung bình mỗi tháng phối hợp với Trung tâm DVVL các tỉnh, thành phố tổ chức từ 1 đến 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự bảo đảm nguồn nhân lực để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người lao động tìm hiểu đa dạng thông tin thị trường lao động và được tiếp xúc với nhiều nhà tuyển dụng để lựa chọn công việc phù hợp; tiến tới hình thành thị trường việc làm liên thông giữa các địa phương với sự liên kết ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Hoài Phương