Cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước bắt kịp xu hướng thời đại

01/12/2021 20:07 Số lượt xem: 4049
Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh có những bước đổi mới bắt kịp xu thế của thời đại, đặt nền móng hướng tới mục tiêu đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế.

 

Dù đủ điều kiện vào Đại học nhưng sau khi cân nhắc, em Nguyễn Văn Mạnh (thị trấn Lim, huyện Tiên Du) quyết định học tại Khoa Điện tử - Tin học của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Được hướng dẫn bởi các giáo viên giàu kinh nghiệm và chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, Mạnh tin rằng lựa chọn này sẽ giúp em có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường: “Trước khi quyết định theo học, em đã tìm hiểu kỹ thấy chương trình học, thực hành tại trường sát thực tế, điều kiện học tập hiện đại. Tốt nghiệp nếu có tay nghề tốt sẽ được doanh nghiệp tiếp nhận ngay. Đây là lựa chọn tốt mang lại cơ hội việc làm rộng mở”.-Mạnh cho hay.
Ngành mà Mạnh đang theo học là một trong 4 nghề trọng điểm quốc tế được trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh tập trung đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua gồm: Điện tử; điện Công nghiệp; máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ ô tô. Bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất nâng cấp hiện đại, nhà trường phối hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng chương trình giáo án phù hợp với thực tiễn, bắt kịp xu hướng thời đại. Đội ngũ giảng viên được tham gia các chương trình bồi dưỡng chất lượng cao trong nước, quốc tế, được khuyến khích phát triển các nghiên cứu khoa học, sáng kiến trong giảng dạy.

 

Tiết học nghề công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.


Năm học 2020-2021, trường có 52 sáng kiến, 43 đề tài nghiên cứu khoa học được công bố, áp dụng vào thực tiễn, trong đó nhiều sáng kiến đạt giải cao tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc, các cuộc thi do Tổng cục GDNN, tổ chức hợp tác Đức - Việt (GIZ) phối hợp tổ chức.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện mục tiêu nâng nền đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, trường đang giải ngân gói đầu tư ODA trị giá 3,5 triệu đô la Mỹ (gần 90 tỷ đồng) để nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, khu thực hành, dự kiến hoàn thành trong năm học 2022-2023. Ngoài ra, Ban giám hiệu chủ trương xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực: Trao đổi, liên kết đào tạo; xây dựng, phản biện góp ý cho chương trình giảng dạy, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp; đào tạo theo đơn đặt hàng. Trong năm vừa qua, trường có gần 200 sinh viên được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn ngay trong quá trình học tập như: Samsung Electronic, Canon, Hồng Hải, ITM Semiconductor…
Tại trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là phát triển mô hình GDNN hiện đại để đào tạo nhân lực chất lượng cao bắt kịp xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên nhà trường đang từng bước hiện đại hoá hệ thống quản trị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá trong GDNN. Cụ thể, trường vừa phối hợp với tổ chức GIZ (tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức) cùng 11 doanh nghiệp thành lập Hội đồng tư vấn nghề cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn CHLB Đức. Khi học đủ 12 modul của chương trình, người học sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn CHLB Đức. Các hoạt động phối hợp, trao đổi nâng cao chất lượng giảng dạy với các tổ chức, cơ sở GDNN quốc tế được duy trì thường xuyên. Năm học vừa qua, trường có 17 sinh viên được nhận học bổng của các tổ chức Hessen; GIZ (CHLB Đức); Công ty ABB…

 

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh thực hành trên mô hình trạm rửa xe tự động.

 

Bên cạnh nghề cắt gọt kim loại là nghề trọng điểm quốc tế, hiện trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đang đào tạo 2 nghề trọng điểm ASEAN (Điện tử công nghiệp, công nghệ ôtô) và 2 nghề trọng điểm quốc gia (Điện công nghiệp, tự động hóa). Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số, chủ động liên kết với doanh nghiệp đào tạo song hành, tổ chức mô hình thực tập tại chỗ cho sinh viên. Không chỉ giai đoạn thực tập, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế còn tham gia sâu vào quá trình đào tạo từ thiết kế giáo trình, nội dung môn học, xây dựng chuẩn đầu ra đến đánh giá chất lượng sinh viên… Người học được học tập, làm quen với những công nghệ sản xuất tiên tiến hiện nay như: Cảm biến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy.... Cũng trong năm học 2021-2022, ngành thương mại điện tử được trường phối hợp với một doanh nghiệp quốc tế nghiên cứu bổ sung vào chương trình giảng dạy nhằm bắt nhịp với xu thế công nghệ, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Có thể thấy cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất yêu cầu người lao động có những kỹ năng mang tính toàn cầu hơn. Nắm bắt xu thế tất yếu đó, các cơ sở GDNN đang chuyển mình để đứng vững, bám sát những sự thay đổi trong cấu trúc của thị trường lao động. Bên cạnh nỗ lực tự thân, các trường cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN, sự đồng hành của doanh nghiệp trong xây dựng phát triển nguồn nhân lực, dần đặt nền móng cho nguồn nhân lực chất lượng cao, vươn tầm quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, công nghiệp của tỉnh tiếp tục đi lên theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Hoài Phương