Phát triển trang trại theo hướng sản xuất lớn

02/04/2020 19:12 Số lượt xem: 2381
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, các địa phương; xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa... nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 223 trang trại đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng gần 3.000 gia trại, mô hình sản xuất VAC. Hệ thống các trang trại, gia trại cung cấp khối lượng hàng hoá lớn, giá trị sản xuất chiếm xấp xỉ 35% tổng giá trị của ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động nông thôn. Trong đó, số lượng trang trại trồng trọt và trang trại tổng hợp đang có xu hướng tăng.
Thời gian qua, nhiều chủ trang trại chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như nuôi cá thâm canh; chăn nuôi lợn, gà công nghiệp; lựa chọn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý đạt hiệu quả kinh tế cao. Một số chủ trang trại có vốn lớn mua sắm trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, nhà lưới, nhà kính, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước thực hiện cơ giới hóa quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm vượt trội so với trước.
Có thể kể đến: Trang trại của ông Vũ Văn Trung (thành phố Bắc Ninh) cung cấp thực phẩm an toàn; Nguyễn Văn Tân, Ngô Văn Chiến (Yên Phong) cung cấp thực phẩm an toàn và chăn nuôi gia cầm; Nguyễn Văn Hiệp (Tiên Du) sản xuất rau an toàn; Nguyễn Văn Hải, Phan Văn Trọng (Gia Bình) chăn nuôi gia công và trồng trọt; Nguyễn Đăng Hệ, Nguyễn Thị Trâm, Nguyễn Văn Trường (Lương Tài) sản xuất tổng hợp, măng tây xanh, nuôi trồng thủy sản; Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Nho (Thuận Thành) chăn nuôi, trồng cây ăn quả quy mô lớn…

 

Khu trang trại của anh Phạm Tiến Thắng tại thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.

 

Tại thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, trang trại của anh Phạm Tiến Thắng được đầu tư 3 triệu USD (xấp xỉ 70 tỷ đồng) trên diện tích hơn 43ha. Năm 2016, trang trại hình thành với 3 khu: 30ha sản xuất theo mô hình cá-lúa kết hợp; 1,5ha ao nuôi thâm canh các loại cá truyền thống như: trôi, mè, trắm, chép; hơn 1ha chuồng trại chăn nuôi lợn rừng và lợn thịt thương phẩm. Diện tích còn lại anh Thắng làm khuôn viên, trồng các loại cây ăn quả và rau xanh. Dồn hết tâm sức, thời gian và tiền của vào trang trại, song thời gian đầu kinh nghiệm chưa có nhiều nên gặp không ít khó khăn do thời tiết, dịch bệnh… Tuy nhiên, điều đó không khiến anh nản lòng mà càng thêm quyết tâm phải khắc phục, tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Vừa giới thiệu về mô hình 6 chuồng trại khép kín, quy mô chăn nuôi 5.000 con lợn, mọi thứ đều tự động, từ cung cấp thức ăn, nước uống, làm mát, vệ sinh, cho tới chất thải đưa vào hệ thống xử lý biogas… Anh Thắng chia sẻ: Ở đây mọi thứ đều vận hành tuần hoàn, không có khái niệm bỏ đi. Chất thải của heo được đưa vào hệ thống biogas để tạo ra gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại trang trại. Nước thải được đưa vào hệ thống tưới. Ngoài ra, các phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh dành cho nuôi cá… Anh đang hoàn tất hồ sơ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và lên quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc…
Sự phát triển của kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng đất đai và các nguồn lực khác có hiệu quả hơn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và bước đầu hình thành các quan hệ hợp tác mới trong sản xuất.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất lớn và ứng dụng khoa học công nghệ, ông Nguyễn Xuân Vững, Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ nay đến hết năm 2020, cần xử lý dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc, tồn tại trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, cung cấp điện, nước để phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm”; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho chủ trang trại; tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm các chủ trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có khối lượng lớn và giá trị kinh tế cao.

Linh - Anh