Nhanh chóng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh

20/07/2021 19:40 Số lượt xem: 1853
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trong tỉnh. Hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi ổn định sản xuất là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành, địa phương gấp rút triển khai.

 

Từ đầu năm đến nay, doanh thu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại võng - nôi Đại Vĩ, xã Hoài Thượng (Thuận Thành) giảm sút do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Anh Lê Quang Đức, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất võng nôi tự động 2 trong 1 và các đồ dùng, đồ chơi thông minh bằng gỗ phục vụ trẻ em; giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, mỗi tháng xuất bán gần 10 nghìn sản phẩm, doanh thu 4-5 tỷ đồng. Sản phẩm võng, nôi Đại Vũ được tiêu thụ với hơn 100 đại lý ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, 20% xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, địa phương nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên Công ty phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, do đó doanh thu giảm sút hơn 50% so cùng kỳ năm 2020, số lao động cũng phải cắt giảm 30%.
Sau 2 tháng “án binh bất động”, hàng chục xe ô tô của Công ty TNHH Thương mại - Vận tải Hải Toàn, KCN Quế Võ II phủ một lớp bụi dày. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty cho biết: “Trước đây 22 xe vận tải, 5 máy cẩu máy xúc hoạt động hết công suất, giải quyết việc làm cho 30 lao động, mức thu nhập 12 triệu đồng/ người/ tháng. Khi dịch bùng phát, DN tạm dừng hoạt động, doanh thu không có, song Công ty vẫn phải trả tiền lương công nhân mỗi tháng gần 100 triệu đồng cộng với tiền lãi vay ngân hàng; rất mong nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vận tải...”.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đông Bình, thị trấn Gia Bình (Gia Bình).


Cũng như các DN nhỏ và vừa, nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Anh Trương Văn Thành, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở xã Đông Tiến  (Yên Phong) chia sẻ: Trước đây các sản phẩm đồ gỗ của cơ sở không chỉ bán tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ khi bùng phát dịch, hàng làm ra không tiêu thụ được nên cơ sở phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công.
Việc tạm thời đóng cửa trong hơn 2 tháng để phòng, chống dịch khiến chuỗi nhà hàng ăn, uống của anh Lê Bình Dương, phường Kinh Bắc không có doanh thu. Mặc dù, nhà hàng có nhận ship đồ ăn đến tận nhà cho khách để tăng thu nhập nhưng vẫn không đủ để bù chi phí thuê mặt bằng, lãi suất ngân hàng, tiền hỗ trợ thuê trọ cho gần 10 nhân viên. Anh Lê Bình Dương chia sẻ: “Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, doanh thu mỗi tháng của 2 cửa hàng đạt hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/ người/ tháng. Song từ đầu năm 2021 đến nay, trải qua 2 đợt dịch COVID- 19 khiến hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nặng nề, doanh thu sụt giảm đến hơn 90%, trong khi chi phí thuê mặt bằng 2 cửa hàng mỗi tháng gần 100 triệu đồng cộng với chi phí điện nước và tiền ăn, ở cho nhân viên. Tôi rất mong Nhà nước, chính quyền sở tại có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ”.
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (ngày 7-7-2021) quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Một trong những nhóm đối tượng thụ hưởng chính của gói hỗ trợ an sinh trị giá 26.000 tỷ đồng này là các DN quy mô nhỏ, các hộ kinh doanh (riêng hộ kinh doanh được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ nếu dừng hoạt động 15 ngày trở lên). Thực hiện quyết định này, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc để các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống. Đơn cử, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) triển khai chương trình hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn với tổng số tiền là 7.500 tỷ đồng cùng tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”. Theo đó, DN được vay vốn lãi suất 0%, thời hạn dưới 12 tháng để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đối với người lao động.

 

NHCSXH tỉnh hướng dẫn các thủ tục hồ sơ vay vốn tại điểm giao dịch xã bảo đảm vay đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Theo báo cáo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 63 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho gần 7.000 lao động và trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Để việc giải ngân cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất đạt hiệu quả cao, NHCSXH tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn. Đồng thời, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát đối tượng, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ vay vốn công khai, minh bạch bảo đảm cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc đẩy mạnh triển khai Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng; chỉ đạo các ngành chức năng giãn, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại giúp các DN kịp thời xoay chuyển phương thức kinh doanh theo xu thế mới; ngành Ngân hàng, ngành Thuế tích cực vào cuộc hỗ trợ khách hàng như: giảm lãi suất, gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hy vọng, với chính sách kịp thời, thủ tục nhanh gọn, sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền tỉnh, ngành chức năng cùng sự năng động, nỗ lực vượt khó, các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn sớm bắt nhịp, thích ứng, ổn định phát triển sản xuất trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Hà Linh