Nâng cao vị thế của Bắc Ninh trong chuỗi giá trị ngành điện tử

31/08/2022 19:55 Số lượt xem: 3762
Quan điểm phát triển trở thành trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt Bắc Ninh tập trung vào các phân khúc giá trị cao như điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, linh phụ kiện điện tử tích hợp chuỗi giá trị. Với sự hiện diện 3 nhà máy của tập đoàn Samsung (SEV, SDV, SDIV) tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD đầu tư vào KCN Yên Phong, từ năm 2018 Bắc Ninh đã vươn lên vị trí số 1 về quy mô sản xuất công nghiệp trong cả nước, đồng thời trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, sau hơn 25 năm tái lập, ngành sản xuất sản phẩm điện tử chiếm tới 79,3% toàn ngành công nghiệp và là ngành chủ lực góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp, tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Ninh.

Dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C của tập đoàn Amkor.

 

Trong bối cảnh mới, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có giá trị thấp sang công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế đặt ra nhiều điều kiện thách thức đối với phát triển ngành công nghiệp. Để nâng cao vị thế của Bắc Ninh trong chuỗi giá trị các lĩnh vực điện tử, tỉnh tiếp tục tập trung dịch chuyển sản xuất sang các sản phẩm và hoạt động với giá trị cao như, sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh, màn hình, linh kiện điện tử bằng việc tăng cường nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện tử. Mở rộng chuỗi cung ứng qua sản xuất vật liệu điện tử. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mảng sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh (chiếm 80% thị trường và 90% mức độ tăng trưởng trong thị trường điện tử tiêu dùng) có nhiều tiềm năng và tính hấp dẫn cao, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2020-2025 dự kiến đạt 7,9%.
Bắc Ninh đã có sẵn các lợi thế và yếu tố hỗ trợ cần thiết cho hoạt động sản xuất điện thoại và thiết bị đeo thông minh, bao gồm các cơ sở vật chất và quỹ đất tại các KCN, lực lượng lao động với chuyên môn sẵn có và các cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, chuỗi cung ứng đã được hình thành theo các dự án FDI của các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Canon, Foxconn. Ngoài ra về mặt chi phí như chi phí nhân công, đất đai, các dịch vụ tiện ích và vận chuyển, khi so sánh với các địa điểm khác trong khu vực và quốc tế, Bắc Ninh vẫn đang là điểm đến cạnh tranh. Sự phát triển của ngành sản xuất điện tử, cụ thể là sự mở rộng của hoạt động sản xuất điện thoại và thiết bị đeo thông minh sẽ tiếp tục tạo nhiều việc làm mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Ưu tiên phát triển tiếp theo trong ngành điện tử đó là sản xuất thiết bị bán dẫn. Đây là lĩnh vực tương đối hấp dẫn, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2020-2025 khoảng 6,9%. Bắc Ninh có sẵn nhu cầu với mảng thiết bị bán dẫn và có khả năng xây dựng chuỗi giá trị bằng việc thu hút được tập đoàn Amkor đầu tư tại KCN Yên Phong II-C, tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD. Giai đoạn đầu, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các Công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Mảng này cũng tiếp tục tạo nhiều việc làm có thu nhập cao cho người dân địa phương.

Sản xuất thiết bị đeo thông minh tại nhà máy của Samsung.


Để bảo đảm dịch chuyển sang sản xuất sang các sản phẩm mới và phát triển bền vững, Bắc Ninh rà soát, đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng các dự án trong ngành sản xuất điện tử, đi liền với những chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số tổng thể, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, các giải pháp cụ thể: Phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, triển khai nhanh các công trình hạ tầng quan trọng trên địa bàn như hạ tầng giao thông, điện, nước đối với các khu, cụm công nghiệp, xem đây là khâu then chốt để thu hút các dự án đầu tư lớn. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào ngành điện, điện tử, hàng phụ trợ, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất toàn cầu, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác.
Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm đến năm 2030, trực tiếp tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư đến các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn trong nước, các doanh nghiệp nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia của các nước Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan... vào đầu tư tại Bắc Ninh. Khuyến khích các hình thức hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, kinh nghiệm sản xuất. Tận dụng tối đa lợi thế về liên kết vùng để đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh để làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước. Hợp tác phát triển công nghiệp của tỉnh với các địa phương khác trong vùng. Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản xuất, khuyến khích nghiên cứu phát triển, nắm bắt nhanh công nghệ, kỹ thuật và trình độ quản trị.
Trong giai đoạn phát triển tới, lĩnh vực công nghiệp nói chung và ngành sản xuất điện tử nói riêng sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh. Với nhiều giải pháp tích hợp, Bắc Ninh đã và đang nỗ lực tạo nguồn lực nâng cao vị thế của tỉnh trong chuỗi giải trị ngành điện tử, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành là một trong vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước và là vùng động lực của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Thái Uyên