Bình dị bánh tẻ làng Chờ

22/12/2021 10:26 Số lượt xem: 2748
Với cách làm bánh gia truyền thơm, ngon, độc đáo mà những nơi khác không có được, bánh tẻ làng Chờ (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là thứ quà quê dân dã nhưng lại mang dư vị đậm đà, khó quên của vùng Kinh Bắc.

Thị trấn Chờ (Yên Phong) hiện có hơn 20 gia đình chuyên làm nghề gói bánh tẻ.

 

Bánh tẻ không phải loại bánh lạ, nhưng với bánh tẻ làng Chờ thì ai đã từng thưởng thức đều cảm nhận được hương vị đặc biệt thơm ngon. Cùng với vị ngậy ngậy của thịt, giòn dai của mộc nhĩ, thơm thơm của tiêu là vị bùi, dẻo của lớp vỏ bánh quyện lại với nhau khi ăn tạo nên hương vị rất khác biệt. Những ngôi làng có truyền thống làm bánh tẻ ngon ở huyện Yên Phong như: Ngô Nội, Nghiêm Xá, Phù Lưu, Tiên Trà... đều có chung tên gọi là làng Chờ.

Với 30 năm gắn bó làm nghề bánh tẻ, bà Nguyễn Thị Nhung, chủ cở sở sản xuất bánh tẻ Phi Nhung ở thị trấn Chờ lúc nào cũng tất bật, làm việc luôn tay luôn chân, ít được nghỉ ngơi. Một ngày gia đình bà gói khoảng 1.500-2.000 chiếc bánh tẻ, lúc cao điểm có thể lên tới 5.000-7.000 cái. Tại thị trấn Chờ hiện có hơn 20 gia đình chuyên làm nghề gói bánh tẻ.

Trước đây, bánh tẻ thường được làm vào dịp Tết nhưng bây giờ loại  bánh tẻ dân dã này đã trở thành món quà quý du khách đều muốn mua về thưởng thức hoặc tặng bạn bè, người thân. Bánh tẻ được tiêu thụ nhiều trong những ngày rét, có nhiều đám cưới, đám hỏi, ngày lệ của làng… Trung bình mỗi ngày, có đến hàng chục ngàn chiếc bánh xuất ra thị trường mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây.

Với nguyên liệu bột là gạo ngon, mộc nhĩ, hành khô cùng một số loại gia vị dễ kiếm, những chiếc bánh tẻ làng Chờ có giá từ 5-6 nghìn đồng/cái. Đối với hàng đặt đặc biệt thì có giá 8-10 nghìn/cái.

Nghề làm bánh tẻ trông thì đơn giản nhưng cách thức làm bánh lại rất cầu kỳ. Mỗi chiếc bánh tẻ bình dị, mộc mạc như muốn muốn phô bày nét đảm đang, khéo léo và chịu khó của người con gái Kinh Bắc. Để làm ra những chiếc bánh tẻ đúng nghĩa làng Chờ, phải trải qua một quy trình phức tạo, tỉ mỉ. Quá trình làm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ khâu chọn gạo, lọc bột, ráo bột, làm nhân… Tất cả quy trình làm bánh đều phải sạch sẽ thì bánh sẽ không bị chua, bị thiu.

Nguyên liệu gạo làm bánh phải là gạo ngon, đó là bốn loại: CR203, C70, DV108 và Khang dân. Gạo được ngâm, vo kỹ rồi xay ra thành bột. Bột được ngâm tiếp 3 ngày, chắt nước 3-4 lần cho hết nước chua, dịch trong veo, bột có độ chua, độ dẻo thì mới làm bánh được. Tiếp đến, bột được cho vào xoong đun nhỏ lửa liên tục khuyấy đều gọi là “ráo bột”. Khi nào bột sền sệt, dở sống, dở chín rồi bắc xuống gói bánh. Chính điều này tạo nên hương vị riêng của bánh tẻ làng Chờ.

Nhân bánh được xem là thứ gia vị không thể thiếu làm nên hồn cốt của món này, là khâu quyết định nên hương vị của bánh tẻ làng Chờ. Để nhân được ngon, thịt được chọn phải là loại thịt vai, thịt nạc mông được thái nhỏ hoặc xay nhuyễn. Mộc nhĩ ngâm rửa sạch, thái sợi nhỏ cùng với hành khô hoặc hành tươi. Thịt được xào chín cho vừa vặn sau mới cho mọc nhĩ vào, đảo xủi đều thì đổ ra, hạt tiêu và hành đổ vào.

Những chiếc lá dong xanh mướt bao bọc phần bột gạo và nhân bánh. Bánh được làm chín hoàn toàn bằng hơi trong chõ, không bị thấm nước nên giữ được độ ngon và có hương vị đặc trưng. Khi thưởng thức, mỗi người đều cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc dư vị đậm đà, khó quên mang hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt.

Huy Giảng