Các chức danh và danh xưng của làng xã Bắc Ninh thời Nguyễn

28/02/2022 20:18 Số lượt xem: 8712
Làng là cách gọi đơn vị cộng cư của dân gian, được sử dụng trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, trong lễ hội và trong cuộc sống hàng ngày của người dân, thường được giới hạn bởi luỹ tre quanh làng. Xã là cách gọi đơn vị hành chính cấp cơ sở xuất hiện vào thời Lê, được dùng trong các văn bản hành chính, trong con dấu, trong các văn bản giao dịch dân sự, trong thần tích, sắc phong và trong các bài văn tế. Xã có quy mô về diện tích và dân số tương đương với một làng (nhất xã nhất thôn) hoặc liên làng (nhất xã nhị thôn, hoặc tam, tứ,… thôn).

Thời Lê và đầu thời Nguyễn, người đứng đầu một xã gọi là Xã chính, sau đó gọi là Xã trưởng, người giúp việc là Xã sử, Xã tư, người làm nhiệm vụ giám sát là Xã giám. Từ thời Minh Mệnh (1820-1840) trở đi, chức danh Xã trưởng được thay bằng chức danh Lý trưởng, cấp phó của Lý trưởng là Phó lý. Chức Xã trưởng, Lý trưởng do toàn dân của xã bầu ra và có sự chuẩn y của Tri huyện (Tri huyện cũng là người trực tiếp cách chức hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm chức Lý trưởng). Lý trưởng được sử dụng con dấu bằng đồng. Nhiệm kỳ của Xã trưởng, Lý trưởng là 3 năm. Những làng nhỏ gọi là thôn trực thuộc xã thì có Thôn trưởng. Thôn trưởng không có con dấu. Thời Nguyễn, chức Xã trưởng (Lý trưởng) không có lương mà được làng cho cày cấy một số ruộng. Đến năm 1921, Lý trưởng nếu đi lên huyện, lên tỉnh vì việc công thì được làng cấp cho một số tiền lộ phí.
Giúp việc cho Lý trưởng về mặt bảo vệ trật tự an ninh trong làng có lực lượng tuần phiên. Người đứng đầu gọi là Trương tuần (trước đó gọi là Khán thủ). Lực lượng tuần phiên chỉ có nam giới và được sử dụng vũ khí thô sơ (giáo, mác, gậy, côn, mã tấu, gươm,…) do bản thân người đó tự trang bị. Chức năng của họ là tuần tra, canh gác “nội hương ấp, ngoại đồng điền”, đêm đêm cử người trực ở điếm canh trên các cổng làng. Bồi dưỡng cho lực lượng tuần phiên được trích từ “lúa sương túc” (còn gọi là “lúa bờ”). Tuỳ theo số ruộng của mỗi làng, có làng quy định chủ ruộng phải trích ra mỗi sào ruộng 1 hoặc 2, 3 lượm lúa để chi cho tuần phiên.
Giúp việc cho Lý trưởng về mặt hộ khẩu, hôn nhân, giá thú, đất đai là Trưởng bạ kiêm Hộ lại. Cũng có làng hai chức vụ này do hai người đảm nhiệm, trong đó Trưởng bạ chỉ làm những công việc liên quan đến ruộng, đất, ao, vườn. Những công việc còn lại là của Hộ lại. Giúp việc cho Lý trưởng còn có một Thư ký và một Thủ quỹ làm nhiệm vụ ghi chép và giữ tiền thuế, tiền sưu, các loại tiền phạt; ghi chép và giữ đinh bạ (sổ ghi danh sách nam giới của làng) và địa bạ (sổ ghi ruộng đất của các hộ trong làng),… Cũng có làng, không có chức Hộ lại mà chỉ có chức Thư ký.
Khi người Pháp sang cai trị nước ta, vào đầu thế kỷ XX, mỗi làng có một Hội đồng Kỳ mục (HĐKM). Người đứng đầu HĐKM là cụ Tiên chỉ, cấp phó của HĐKM là Thứ chỉ. Đến năm 1921, HĐKM được thay bằng Hội đồng tộc biểu (HĐTB). Số lượng thành viên HĐTB tuỳ thuộc vào số họ và số nhân khẩu của mỗi làng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐTB là quản lý làng xã, thi hành các chỉ thị của nhà nước bảo hộ và triều đình Huế, phân bổ sưu thuế, dự toán và quyết toán ngân sách, quản lý tài sản công của làng. Theo quy định của Nghị định số 1949 ban hành ngày 12 tháng 8 năm 1921 của Thống sứ Bắc kỳ, HĐTB có thành viên là đại diện các dòng họ, có tài sản, biết chữ quốc ngữ và từ 25 tuổi trở lên. Đứng đầu của Hội đồng này là Chánh Hương hội (các bản Hương ước và văn bia thường viết là Chánh hội). Giúp việc cho Chánh Hương hội là Phó Hương hội. Nhiệm kỳ của HĐTB là 3 năm. Hội đồng họp mỗi tháng 2 kỳ vào ngày mùng Một và ngày 15 âm lịch hàng tháng. Địa điểm họp là đình làng.
Ngoài các chức danh trên, làng xã ở Bắc Ninh thời Nguyễn còn có một số chức danh:
- Lý Cựu: là người làm Lý trưởng khi đã thôi không giữ chức đó nữa.
- Ông Đám (có làng gọi là Quan Đám, có làng gọi là Cai Đám): Chức Ông Đám do dân làng bầu ra để làm việc thờ cúng Thành hoàng với nhiệm kỳ là một năm. Để được làng bầu vào chức Ông Đám, người đó phải có đủ các tiêu chí: là dân chính cư của làng, con cái đề huề, vợ chồng song toàn, có tài sản, không can án, được dân làng tin phục.
Người có một trong những chức danh trên đây, được dân làng gọi kèm theo tên (hoặc tên con cả) trong suốt cuộc đời, và vợ người đó cũng được gọi theo chức của chồng: bà Lý (chồng làm Lý trưởng), bà Chánh (chồng làm Chánh Hương hội), bác Thơ (chồng làm Thư ký),…
- Lềnh: là danh xưng của người đàn ông ở tuổi 49 làm nhiệm vụ đánh lệnh trong các buổi tế ở đình; làm nhiệm vụ chấp hiệu trong các đám tang ở làng.
- Mõ: là danh xưng của người đàn ông làm việc hầu hạ các chức dịch trong làng mỗi khi làng có việc công ở đình và đi khắp các ngõ xóm trong làng, tay gõ mõ, miệng rao to mỗi khi Lý trưởng cần thông báo cho toàn dân một việc gì đó.
- Nhiêu: là danh xưng của người đàn ông chính cư của làng bỏ ra một khoản tiền mua một suất nhiêu để không phải đi lính, không chịu phu phen, tạp dịch. Người già mà có nhiêu thì gọi là Lão Nhiêu.
- Câu Đương: là danh xưng (cũng có thể hiểu là chức danh) của người đứng đầu trong số những người bằng tuổi mình trong việc sự thần. Cụ thể là: đến năm nào đó, trong làng có nhiều người tuổi 49. Trong số đó, họ phải cử một người đứng đầu nhóm. Nguyên tắc cử người đứng đầu là: người có tháng sinh cao hơn. Nếu có 2 người cùng tháng sinh thì cử người có ngày sinh cao hơn. Nếu có 2 người cùng ngày sinh thì cử người có tuổi của bố cao hơn.
Những chức danh và danh xưng đó phản ánh tình hình hoạt động của bộ máy hành chính và hoạt động xã hội của làng, đồng thời cũng cho người đời sau biết được sự cần thiết phải quản lý làng xã của các thời kỳ. Một số chức danh cũng mang lại  niềm vinh hiển cho thân nhân, gia đình người đó.

Nguyễn Quang Khải