Đình Nghĩa Vi

25/11/2021 21:08 Số lượt xem: 3471
Đình Nghĩa Vi, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành là một ngôi đình cổ còn bảo lưu được khá nguyên sơ nghệ thuật kiến trúc thời Lê - Nguyễn và nhiều tài liệu, di vật cổ có giá trị như thần tích, sắc phong, bia đá cùng nhiều đồ thờ tự tạo tác nghệ thuật khác. Trong đó giá trị nhất là bức cửa võng tại gian giữa tòa Đại đình có niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ XIX.

Theo dòng lạc khoản chữ Hán khắc trên cây cột ở gian thứ 3 phía bên Tây (bên trái) cho biết đình Nghĩa Vi được trùng tu sửa chữa lớn dưới triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 21 (1760). Đến nay, tuy trải qua một vài lần tu sửa nhưng về cơ bản ngôi đình vẫn giữ nguyên được hình dáng khi trùng tu vào cuối thế kỷ XVIII. Toàn bộ khung đình được làm bằng gỗ lim gồm 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, 2 bộ vì kèo ở gian giữa kết cấu theo kiểu “thượng con chồng, hạ cốn mê”, các vì bên làm theo lối kẻ trường giá chiêng. Trên các cấu kiện gỗ như đầu bẩy, đầu dư, cốn mê… trang trí đề tài “tứ quý”, “tứ linh”, hoa lá, vân mây cách điệu. Các mảng chạm khắc được thể hiện khá sinh động bằng nghệ thuật chạm nổi, chạm kênh bong… Căn cứ vào nội dung thần tích, sắc phong đình Nghĩa Vi thờ 3 vị thành hoàng: Tây phương Bạch đế, Bắc phương Hắc đế và Nam phương Xích đế có công âm phù giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định dưới thời Bắc thuộc những năm đầu Công nguyên.

 

Phía trước đình Nghĩa Vi.


Tại đình Nghĩa Vi hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu, di vật cổ giá trị, phong phú đa dạng có niên đại từ thời Lê - Nguyễn, tiêu biểu như: ba đạo sắc phong, trong đó 01 đạo sắc phong cho vị Bắc phương Hắc đế vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), 02 đạo sắc sao phong cho thánh mẫu Liễu Hạnh (Sắc phong của điện thờ tư gia) vào các năm Tự Đức thứ 6 (1853), Bảo Đại thứ 2 (1927). Năm tấm bia đá dựng khắc dưới thời Nguyễn gồm: “Hậu thần bi ký” dựng vào các năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Tự Đức thứ 32 (1879); bia “vô đề” dựng năm Tự Đức thứ 33 (1880); “Xã tế bi ký” dựng năm Thành Thái thứ 2 (1890); “Tư văn bi ký” dựng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Hai cuốn thần tích chữ Hán, 01 cuốn do Hàn lâm lễ viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Nội các bộ Lại sao chính bản vào ngày tốt tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), cuốn còn lại được sao vào ngày tốt tháng 3 năm Duy Tân thứ 5 (1911), một cuốn chép lại nội dung 17 đạo sắc phong cho 3 vị thành hoàng dưới thời Tây Sơn - Nguyễn, đạo có niên đại sớm nhất vào năm Quang Trung thứ 5 (1792), muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924)…
Ngoài ra, tại di tích còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự giá trị khác như: hương án, ngai thờ, bài vị, long đình, bát bửu, đao, kiếm, biển rước… có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Trong đó giá trị nhất là bức cửa võng tại gian giữa tòa Đại đình. Bức cửa võng hình chữ nhật, dài 3,75m, cao 1,55m toàn bộ bề mặt được sơn son thiếp vàng, chia làm 4 tầng. Tầng dưới cùng chạm thủng hình hổ phù cùng dây lá cách điệu. Tầng thứ hai chia làm 7 ô, 2 ô ngoài cùng nhỏ hơn 6 ô bên trong, các ô đều trang trí chạm nổi, chạm kênh bong đề tài tứ linh “long, lân, quy, phượng”, ô chính giữa chạm hình đôi hạc chầu ban thờ. Tầng thứ 3 chia làm 6 ô, 4 ô phía trong chạm nổi 4 chữ Hán “Thánh cung vạn tuế”, 2 ô ngoài mỗi bên chạm hình một con nghê chầu. Tầng trên cùng chạm nổi đôi rồng chầu mặt trời xung quanh quấn mây dải, đao lửa. Căn cứ vào kiểu dáng, kỹ thuật chế tác và các mô típ hoa văn trang trí cho thấy bức cửa võng này có niên đại vào thời Nguyễn (nửa cuối thế kỷ XIX).
Cửa võng đình Nghĩa Vi là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Thông qua bức cửa võng này góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật trang trí chạm khắc trên các loại hình đồ thờ tự truyền thống của người Việt.

Nguyễn Văn An, Bảo tàng tỉnh