Xây dựng nông thôn mới từ thực hiện nếp sống văn minh

15/11/2018 16:08 Số lượt xem: 2361

Bắc Ninh–Kinh Bắc, vùng đất chứa đựng nhiều huyền thoại và trầm tích. Trong dòng chảy lịch sử, nơi đây vẫn giữ được sự phong phú, đa dạng của các hoạt động văn hóa dân gian, phong tục, tập quán...mang đậm dấu ấn, phong vị của nền văn minh nông nghiệp. Với hành trang văn hóa ấy người Bắc Ninh hôm nay đang xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi là nhân lên những giá trị truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bắc Ninh là địa phương quản lý, tổ chức nghiêm túc các lễ hội

 

 

Với sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã tạo sự chuyển biến rõ nét nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ. Những thuần phong, mỹ tục được bảo tồn và phát huy, hủ tục được ngăn chặn và dần được xoá bỏ, nếp sống văn hóa hình thành và phát triển. Nhiều nghi thức mới, lành mạnh, phù hợp với xã hội đương đại dần đi vào cuộc sống, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các tầng lớp nhân dân đã tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phần lớn đám cưới tổ chức theo Luật Hôn nhân và gia đình, giản lược nhưng giữ tính truyền thống, trang trọng, văn minh, tiết kiệm, gói gọn từ 1 đến 1,5 ngày, không mời khách tràn lan. Trước đây, để tổ chức được một đám cưới, ngoài việc gia đình phải sắp cỗ theo lệ làng, hai bên gia đình còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước tiến hành có khi kéo dài cả năm. Việc tổ chức tang lễ cũng hết sức phức tạp, họ hàng, con cháu ngoài việc lo các thủ tục, nghi thức còn phải lo mổ lợn, mua thực phẩm làm cỗ như cỗ cưới... Khách đến phúng viếng, chia buồn xong đều được mời ở lại ăn uống... như một lời cảm ơn của tang chủ. Phức tạp, tốn kém nhưng nếp nghĩ đã ăn sâu, nhà nọ cố bằng nhà kia cho “nở mày, nở mặt” nên việc giảm bớt các thủ tục, nhất là việc vận động người dân không làm cỗ mời khách trong lễ tang là hết sức khó khăn. Từ công tác vận động, tuyên truyền, đến nay đã cơ bản xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, ở nhiều địa phương không còn mời cỗ trong ngày tang lễ, tuần tiết. Nhiều đám tang thực hiện vòng hoa, mâm hoa quả luân chuyển để viếng, hạn chế câu đối, mở nhạc tang đúng quy định. Số gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng người chết ngày càng tăng.

 

Các nghi thức trong đám cưới dần được đơn giản nhưng vẫn trang trọng, đầm ấm.

 

Trao đổi với ông Trương Đức Lân, Bí thư Chi bộ thôn Đạo Sử, thị trấn Thứa (Lương Tài) được biết: “Thôn có 32 dòng họ, với hơn 500 hộ, trên 2.000 nhân khẩu. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chi bộ ra Nghị quyết về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, triển khai họp thông báo đến toàn dân, tổ chức cho các dòng họ ký cam kết thực hiện. Các đảng viên gương mẫu làm trước, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các quy định. Cỗ đám tang mời khách nay chuyển thành làm cơm cho người nhà và chỉ dùng thịt lợn. Nghĩa trang của thôn được quy hoạch, mộ xây theo hàng lối, đúng quy định…”.

Điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phải kể đến thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ (Thuận Thành). Hầu hết các đám tang xóa bỏ được các hủ tục, đặc biệt, từ đầu năm 2013, thôn lựa chọn dùng băng, đĩa nhạc hiếu thay cho hình thức mời tổ thợ kèn. Nhờ đó, mỗi đám hiếu trước đây phải chi phí từ 4- 6 triệu đồng thuê phường kèn thì nay chỉ phải chi trả vài trăm nghìn đồng. Có được kết quả như vậy là nhờ Chi bộ thôn ra Nghị quyết lãnh đạo và quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, đảng viên về trách nhiệm nêu gương. Ban Công tác Mặt trận cùng các tổ chức thành viên và những người có uy tín trong các dòng họ thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn minh.

Tại xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn), nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh được đưa vào hương ước của các thôn. Nghĩa trang nhân dân được quy hoạch nền nếp, có khu an táng và cải táng riêng biệt, xa khu dân cư, xa nguồn nước. Tại chùa Tiêu có Tháp xá lị dành cho những gia đình có nhu cầu để tro cốt của người thân, do đó tỉ lệ người qua đời được thực hiện hỏa táng ngày càng tăng.

Bắc Ninh xứ sở của hơn 500 lễ hội và nổi tiếng với hội Lim, hội Phật Tích, hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền và lăng Kinh Dương Vương, hội Ném Thượng, hội rước pháo Đồng Kỵ…Vì vậy, việc quy hoạch, tổ chức lễ hội luôn được quan tâm và tuân thủ tốt các quy định về nếp sống văn minh. Các địa phương thành lập Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội trang trọng về phần lễ, phong phú về phần hội. Nội dung các lễ hội đều có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với các hoạt động tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, thể thao sôi động, mang đậm bản sắc văn hiến, văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Sự chuyển biến trong lễ hội biểu hiện rõ nét nhất là ở 11 lễ hội lớn được phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý.

Song song sự phát triển đồng đều, toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội thì cốt cách, bản sắc văn hóa làng quê Bắc Ninh vẫn được gìn giữ và phát huy. Cùng với biểu tượng cây đa, giếng nước, sân đình, những trung tâm sinh hoạt cộng đồng mới được xây dựng đã tạo nên không gian NTM vừa hiện đại, vừa cổ kính.

Những kết quả đạt được trong xây dựng nếp sống văn minh trong những năm qua là hết sức to lớn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời tạo môi trường văn hóa lành mạnh, làm nên sức mạnh nội sinh để Bắc Ninh thực hiện sự nghiệp đổi mới, đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022.

 

Hoàng Mai