Tuyên truyền pháp luật về quản lý lao động nước ngoài

21/11/2018 09:13 Số lượt xem: 2631
Là một trong những tỉnh thu hút vốn FDI cao nhất cả nước, Bắc Ninh luôn có một lượng không nhỏ lao động nước ngoài sinh sống, làm việc. Để quản lý tốt số lao động này, thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý lao động nước ngoài bảo đảm mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chuyên gia nước ngoài tại doanh nghiệp FDI phỏng vấn tuyển dụng lao động Việt Nam tại Sàn giao dịch việc làm (Sở LĐ-TB&XH). 

 

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện toàn tỉnh có 997 doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài với tổng số 2.613 lao động. Trong đó, lao động người Hàn Quốc chiếm 51%, Trung Quốc chiếm 18,2%, còn lại là một số quốc tịch khác: Nhật Bản, Đài Loan, Australia… Số lao động nước ngoài được cấp phép lao động chủ yếu làm ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có ý thức chấp hành quy định pháp luật về sử dụng lao động là người nước ngoài. Để tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp phép tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Việc làm thủ tục được giải quyết nhanh chóng, đúng thời hạn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp nào phản ánh về chậm thời gian cấp giấy phép cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, sở thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp để các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động người nước ngoài và người lao động nước ngoài hiểu được các quyền lợi, nghĩa vụ và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Quản lý lao động nước ngoài không chỉ góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn mà còn thể hiện quan hệ hữu nghị, hợp tác lao động hài hòa giữa các quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp thường xuyên phối hợp chặt chẽ, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài; yêu cầu các doanh nghiệp định kỳ báo cáo về số lượng, biến động về lao động nước ngoài đang làm việc, phổ biến văn bản, chính sách pháp luật mới, liên quan cho lao động nước ngoài đang làm việc tại đơn vị… Nhờ đó, công tác quản lý lao động là người nước ngoài đi vào nền nếp, tạo môi trường an toàn, ổn định để lao động nước ngoài yên tâm làm việc, doanh nghiệp ổn định nhân lực.
Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra cũng phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động nước ngoài còn mắc một số sai phạm như: Doanh nghiệp còn chậm hoặc chưa chú trọng trong việc làm thủ tục cấp giấy phép cho lao động là người nước ngoài làm việc tại đơn vị mình hoặc lao động vào làm việc rồi mới tiến hành làm các thủ tục cấp phép; một số doanh nghiệp lợi dụng quy định của Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đưa lao động người nước ngoài vào làm việc dưới 3 tháng không phải xin cấp giấy phép lao động để “lách luật” và luân phiên thay lao động khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Có trường hợp lao động người nước ngoài vào tỉnh với danh nghĩa khách du lịch, thăm người thân nhưng thực tế ở lại để dạy ngoại ngữ ở các trung tâm; một số lao động nước ngoài nhập cảnh không đủ điều kiện được cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng vẫn làm việc tại doanh nghiệp…

Công ty CrucialTec Vina (KCN Yên Phong) là doanh nghiệp 100% vốn của Hàn Quốc thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người lao động.   

Ảnh: Trần Uyên

Để tăng cường công tác quản lý lao động là người nước ngoài, với vai trò là cơ quan quản lý, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bám sát và thực hiện nghiêm quy định về quản lý, cấp phép, sử dụng lao động nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cập nhật thông tin trên website các chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến lao động người nước ngoài đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện nhắc nhở, xử lý sai phạm... Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa phát triển sản xuất và ổn định xã hội.

Hoài Phương