Trung Nghĩa “Dân vận khéo” trong bảo vệ môi trường

06/09/2018 16:27 Số lượt xem: 2227
Theo Đoàn công tác của Ban Dân vận Huyện ủy Yên Phong chúng tôi về xã Trung Nghĩa (Yên Phong) tìm hiểu mô hình “Dân vận khéo” khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề. Đường làng thông thoáng, sạch sẽ, nhà cao tầng san sát, những cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ nối tiếp nhau chạy dọc tuyến đường trung tâm xã minh chứng sự đổi mới, trù phú.

Quyết sách hợp lòng dân

 

Diện mạo nông thôn Trung Nghĩa ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Một góc thôn Ngô Nội

 

Xã Trung Nghĩa hiện có hơn 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hằng năm ước đạt hơn 371,6 tỷ đồng, chiếm hơn 87% tổng thu nhập, góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân. Hiện thu nhập bình quân người dân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phát triển kéo theo là tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ đầu năm 2018 trở về trước, các hộ sản xuất, kinh doanh lấn chiếm lòng đường để tập kết gỗ, trưng bày sản phẩm, thậm chí sản xuất; xả, thải các phế phẩm từ gỗ ra đường làng,... gây ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn giao thông và sinh hoạt của nhân dân. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và làm thay đổi nhận thức người dân, Đảng ủy xã Trung Nghĩa đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề. Chỉ đạo các thôn thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường. Khối dân vận xã, các Tổ Dân vận ở các thôn tập trung quán triệt nội dung Nghị quyết; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Các thôn phát động phong trào toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động nhân dân phân loại rác, sử dụng máy hút bụi công nghiệp vào sản xuất, không sử dụng hóa chất tẩy gỗ khi chưa có hệ thống xử lý nước thải hóa học. Tổ chức cho các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các nội dung Nghị quyết. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường tuần tra, kịp thời nhắc nhở và xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Với các nội dung cụ thể, thiết thực như: Nghiêm cấm các hộ dân không chà gỗ, thổi bụi ra ngoài đường làng và các nơi công cộng; không đổ, tập kết rác thải không đúng nơi quy định; trong sản xuất không sử dụng hóa chất làm ô nhiễm môi trường nước và không khí;… mô hình “Dân vận khéo” về khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiêm túc thực hiện.

Từng bước thay đổi thói quen sản xuất

Thôn Đông Mai là một trong những thôn tiêu biểu trong xã thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” về khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng chí Ngô Văn Bình, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận thôn cho biết: “Hiện nay, thôn có hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Hầu hết các hộ đều thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết. Toàn thôn có khoảng 20 hộ sử dụng máy hút bụi công nghiệp; hầu hết các hộ thực hiện mua phông, bạt che trước cửa nhà xưởng để hạn chế bụi ra môi trường. Cơ sở sản xuất của gia đình chị Trần Thị Phan là một trong những hộ tiên phong ứng dụng máy hút bụi công nghiệp vào sản xuất. Chị Phan chia sẻ: “Trước đây, do nhà xưởng chật hẹp, khi chà gỗ rất nhiều bụi nên phải đưa gỗ ra đường làng để chà. Được các thành viên trong Tổ Dân vận thôn tuyên truyền, giải thích cụ thể những ảnh hưởng của bụi gỗ, tiếng ồn… đến môi trường, chúng tôi sử dụng máy hút bụi công nghiệp để giảm bụi. Sử dụng máy chỉ cần bố trí một góc nhỏ cuối xưởng để chà gỗ, bụi được hút và nén chặt lại vừa không ảnh hưởng đến môi trường, vừa không ảnh hưởng đến các khâu sản xuất khác, năng suất lao động được nâng cao”.

 

Cơ sở sản xuất của gia đình chị Trần Thị Phan thôn Đông Mai thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

 

Sau hơn 6 tháng triển khai mô hình, với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn xã cơ bản được khắc phục. Toàn xã hiện có khoảng hơn 30 hộ sử dụng máy hút bụi công nghiệp; hầu hết các hộ sử dụng lưới che bụi; tiến hành đục gỗ đúng thời gian quy định (từ 6 giờ sáng đến 22 giờ); xẻ gỗ, pha gỗ trong phòng cách âm; không sử dụng lòng đường làm nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm, tập kết gỗ và thực hiện phân loại rác, đổ rác đúng nơi quy định. Qua đó, Trung Nghĩa từng bước hoàn thành tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên hiện nay các cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ đang sản xuất trong khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải nên chưa xử lý triệt để được tình trạng ô nhiễm môi trường. Để tiếp tục thực hiện mô hình “Dân vận khéo” về khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả cần các cấp, ngành quan tâm quy hoạch, xây dựng làng nghề sản xuất gỗ tập trung. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đối với các hộ cố tình không thực hiện. Trước mắt, để nâng cao tỷ lệ các hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ sử dụng máy hút bụi công nghiệp, UBND xã cần nghiên cứu, tổ chức mô hình trình diễn tại các thôn để người dân tận mắt thấy hiệu quả khi sử dụng máy vào sản xuất; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích người dân.

Mai Phương