Tái cơ cấu ngành lúa gạo góp phần ổn định an ninh lương thực

18/07/2019 08:48 Số lượt xem: 2907
Trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do phát triển công nghiệp, đô thị, giao thông..., diện tích gieo trồng vẫn nhỏ lẻ, manh mún, tỉnh quyết tâm xây dựng và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, nhằm tăng năng suất cây trồng, ổn định an ninh lương thực. Đề án được thực hiện từ năm 2016, bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng.

Mặc dù tổng diện tích gieo cấy lúa liên tục giảm (đơn cử như năm 2018, toàn tỉnh chỉ còn 66.431,3 ha, chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng, giảm 4.350,3 ha so với năm 2016), song do tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất, nhất là về giống nên năng suất ổn định, đạt 61,8 tạ/ha, tương đương năm 2016. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 420.770,5 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 337,3 kg/người/năm. An ninh lương thực được đảm bảo. Cơ cấu giống chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ diện tích lúa năng suất, chất lượng cao, giảm tỷ lệ lúa tẻ thường. Các (TBKT) được mở rộng áp dụng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đưa giá trị sản xuất trồng trọt đạt 3.511,9 tỷ đồng; giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 97,6 triệu đồng/ha, tăng 2,3 triệu đồng/ha. Riêng sản xuất lúa đạt 36,5 triệu đồng/ha, chiếm 37,4% tổng giá trị thu trồng trọt, tăng 2,2 triệu đồng/ha. 
Theo ông Phạm Văn Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh: Ngành nông nghiệp tập trung vào 5 giải pháp chủ lực như: Quản lý, sử dụng đất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng mở rộng diện tích lúa năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; tăng cường ứng dụng TBKT và cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo.

 

Nông dân Yên Phong xuống đồng gieo cấy lúa mùa.


 Hiện toàn tỉnh chuyển đổi 1.108,93 ha cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả (nhưng vẫn nằm trong quy hoạch đất lúa) sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây hàng năm như: Cà rốt, bí các loại, rau ăn lá, cây ăn quả, hoa cây cảnh… góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất. Ước tính sơ bộ, giá trị mô hình chuyển đổi cây lúa sang cây hàng năm (cây rau màu, hoa cây cảnh) cao hơn từ 50-250 triệu đồng/ha; chuyển sang cây ăn quả lâu năm (chuối, cam, bưởi) cao hơn từ 100-450 triệu đồng/ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản cao hơn từ 230-400 triệu đồng/ha. 
Trong sản xuất lúa, ưu tiên các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh (chịu rét, úng, hạn...) và các đối tượng sinh vật hại như giống lúa GS9, Q.ưu số 1, B-TE1, Bác ưu 903-KBL, Thiên ưu 8...; giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7, TBR225, nếp N87, N97, PD2, BM 9603... Diện tích lúa năng suất, chất lượng cao đạt 38.382,9ha, chiếm 57,7% diện tích lúa, tăng 1,9% so với năm 2016, từng bước nâng cao giá trị sản xuất lúa toàn tỉnh. 
Công tác tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng và tổ chức sản xuất được triển khai đồng bộ, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung và xây dựng thương hiệu đặc trưng riêng. Hiện toàn tỉnh có 263 vùng sản xuất, quy mô từ 5ha trở lên như vùng lúa nếp Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du; lúa tẻ thơm Quế Võ, Thuận Thành; lúa năng suất cao Gia Bình, Lương Tài...Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ... 
Hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra của các tổ chức, cá nhân ngày càng gắn kết chặt chẽ, có hệ thống. Bước đầu hình thành các mô hình doanh nghiệp sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ như: mô hình sản xuất lúa thương phẩm hàng hóa ứng dụng TBKT và cơ giới hóa theo phương pháp “4 cùng” cùng giống, cùng gieo cấy, cùng xứ đồng, cùng thu hoạch. Nhất là việc giúp nông dân cải tạo bộ giống, chủ động nguồn giống tại chỗ, giảm chi phí đầu vào. Thực hiện quy trình canh tác bền vững như kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho mạ, cấy mạ non, nhổ mạ không đập, cấy theo phương pháp hàng rộng - hàng hẹp, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, mạ ném, mạ khay, cấy máy; bón phân cân đối, hợp lý, áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; cơ giới hóa đồng bộ về máy móc ở tất cả các khâu làm đất, gieo cấy, tưới tiêu, phun thuốc BVTV và thu hoạch, bảo đảm thời vụ, giảm thiểu rủi ro do thời tiết, sinh vật hại gây ra, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để tiếp tục đạt những thành tựu quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo ở những năm tiếp theo, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp bám sát các nội dung của Đề án để xây dựng các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở từng thời kỳ. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn. Tiếp thu TBKT, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành lúa gạo, góp phần ổn định an ninh lương thực toàn tỉnh trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Hoài Anh