Rạng danh nhà giáo

20/11/2018 08:56 Số lượt xem: 3362
Không giống nhau về hoàn cảnh gia đình, giảng dạy ở bậc học với môn học khác nhau nhưng bằng niềm đam mê, tận tụy với nghề, những giáo viên giỏi tiêu biểu luôn biết cách truyền cảm hứng để học trò yêu mến môn học.

Tạo hứng thú với môn Hóa bằng ví dụ thực tế

14 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Tổ trưởng tổ Lí-Hóa-Sinh-CN, Trường THPT Hàm Long (thành phố Bắc Ninh) luôn gương mẫu, hết lòng vì học sinh thân yêu, được đồng nghiệp, phụ huynh tín nhiệm. Bản thân cô không ngừng học tập, nâng cao trình độ, thường xuyên nghiên cứu tài liệu, sách tham khảo, ứng dụng CNTT vào giảng dạy để tìm phương pháp mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong học tập. Cô đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong giảng dạy, là giáo viên giỏi xuất sắc cấp tỉnh, nhiều năm liền có học sinh thi THPT đạt điểm cao. Năm 2018, điểm trung bình thi THPT Quốc gia môn Hóa học của trường xếp thứ Ba toàn tỉnh (sau Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và THPT Lương Tài 1)…

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy (Trường THPT Hàm Long) hướng dẫn học sinh thực hành.

Chia sẻ về đồng nghiệp, thầy giáo Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long thành thật: “Cô giáo Thủy có phương pháp giảng dạy hiệu quả, luôn biết cách lôi cuốn, tạo hứng thú cho học sinh. Từ ngày học phổ thông, cô Thủy đã có tố chất thông minh, vốn là một trong số ít người học giỏi Hóa lại yêu nghề dạy học…”.

Xuất thân là một học sinh giỏi Hóa rồi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, khi trở thành một giáo viên, cô Thủy luôn chủ động đưa những ví dụ thực tế cuộc sống vào bài giảng để tạo niềm hứng thú học tập, giúp học sinh dễ hiểu và ghi nhớ bài được lâu nhất. Những câu chuyện, hiện tượng mang hơi thở cuộc sống vừa tạo không khí học tập thoải mái, giúp học sinh thích học môn Hóa học hơn. Chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Thủy cho rằng việc phân hóa học sinh rất quan trọng. Do khả năng nhận thức của học sinh không đồng đều nên trong một lớp học với một bài giảng nhưng cô thường phải sử dụng 2-3 giáo án. Phương pháp này giúp học sinh giỏi không thấy nhàm chán với những điều mình đã biết, còn học sinh trung bình cũng không cảm thấy mệt mỏi khi phải tiếp thu quá nhiều lượng kiến thức từ môn học. Em Trần Văn Sơn, học sinh lớp 12H1, Trường THPT Hàm Long tâm sự: “Em rất thích học môn Hóa do cô Thủy dạy. Cô dạy giỏi lại nhẹ nhàng, thân thiện và tình cảm. Ngoài việc truyền tình yêu môn Hóa, cô còn giống như một người bạn luôn quan tâm trò chuyện, chia sẻ với chúng em những điều trong cuộc sống. Cô giúp chúng em có được những định hướng nghề nghiệp cho mình…”.
Với nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Nguyễn Thị Thủy tâm sự: “Chỉ có những giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi mới có được những cảm xúc “hồi hộp thú vị”. Có lần bị ốm đang điều trị trong bệnh viện nhưng nghe tin học sinh đỗ Đại học với điểm cao, mình khỏi ốm ngay và xin bác sĩ xuất  viện. Những cảm xúc ấy chính là “động lực” để mình thêm yêu và gắn bó với nghề”.
Gắn giáo dục giới tính khi giảng bài
Trò chuyện với cô giáo Trần Thị Mơ, sinh năm 1981, Trường THCS Tam Đa (Yên Phong) là 1 trong số 5 gương giáo viên xuất sắc tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng trong dịp kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam chúng tôi càng thêm trân trọng những người thầy chọn gắn bó với nghiệp trồng người. Đón chúng tôi tại nhà riêng, cô Mơ có phần xúc động khi nhắc tới gia đình. Cô xúc động: “Chồng tôi, một người mẫu mực hết lòng với vợ con vừa qua đời vì bạo bệnh, để lại khoảng trống khó lấp…”.

Trong 14 năm gắn bó với nghề, cô Mơ nhiều năm liên tục đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Trong công tác bồi dưỡng

Nhân kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, UBND tỉnh Bắc Ninh khen thưởng 36 giáo viên có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” năm học 2017-2018. Trong đó, có 5 giáo viên xuất sắc tiêu biểu là: Nguyễn Vân Hương, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh; Trần Thị Mơ, giáo viên Trường THCS Tam Đa, Yên Phong; Nguyễn Xuân Tuyến, giáo viên Trường THCS Hàn Thuyên, Lương Tài; Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên Trường THPT Thuận Thành số 1; Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Hàm Long (thành phố Bắc Ninh)…

học sinh giỏi môn Sinh, học sinh của cô đã mang về nhiều thành tích cho nhà trường. Đặc biệt, năm học 2017-2018, Trường THCS Tam Đa có 20 học sinh đạt giải, riêng môn Sinh học do cô bồi dưỡng chiếm 4 giải, trong đó có 1 giải Khuyến khích cấp tỉnh; 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích cấp huyện. Thành tích ấy  cô Mơ khẳng định là do sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường và sự cố gắng nỗ lực của học trò.

Để những bài học hấp dẫn, cô Mơ không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy đồng thời luôn ứng dụng công nghệ thông tin để tạo hứng thú cho học sinh. Ngoài nội dung chính của bài giảng, cô còn lồng ghép kiến thức về cuộc sống, chú trọng giáo dục giới tính cho học sinh. 14 năm công tác tại Trường THCS Tam Đa, cô Mơ đều làm công tác chủ nhiệm. Với quan điểm nghiêm khắc nhưng tình cảm và gần gũi học sinh, lớp cô luôn có nền nếp tốt, chất lượng cao. Hàng năm số học sinh xếp loại Khá, Giỏi đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tỉ lệ học sinh lớp 9 đỗ tốt nghiệp 100%, thi đỗ THPT năm sau cao hơn năm trước, trong đó có học sinh đỗ vào chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Khi được hỏi bí quyết nào để học sinh yêu môn Sinh học của mình, cô Mơ cười: “Chẳng có bí quyết gì đâu. Cô giáo giống như người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo thì trái tim người thầy phải có lửa”…
Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Cô giáo Nguyễn Vân Hương, sinh năm 1976, Trường Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh) có hơn 20 năm công tác trong nghề. Nhiều năm liên tục cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh và có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Riêng năm học 2017-2018, cô được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi Trạng Nguyên Tiếng Việt, trong đó: Cấp thành phố đạt 6 giải (2 Nhất, 2 Nhì, 1 Ba, 1 Khuyến khích); cấp tỉnh 5 giải ( 3 Nhất, 2 Nhì); cấp Quốc gia 2 giải (1 Nhất, 1 Khuyến khích).
Chia sẻ về thành tích đạt được, cô giáo Nguyễn Vân Hương cho biết: Những kết quả đạt được là do sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất để cô và trò rèn luyện, học tập. Điều mà tôi mong muốn là truyền cảm hứng, tình yêu cho các em học tiếng Việt, góp phần gìn giữ sự trong sáng tiếng Việt.

Cô giáo Nguyễn Vân Hương (Trường Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản) hướng dẫn học sinh thảo luận theo nhóm.

Theo cô Vân Hương để tạo hứng thú cho học sinh Tiểu học, trước mỗi giờ dạy cô đều có những trò chơi khởi động, luôn thay đổi hình thức, tìm tòi cái mới để phương pháp giảng dạy được phong phú. Ngay từ đầu năm học, cô xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục cho học sinh theo từng tuần, từng tháng cụ thể. Qua các bài kiểm tra, cô phân loại và có kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi. Vì vậy, học sinh luôn đạt trên 90% điểm khá, giỏi, không có học sinh điểm dưới trung bình. Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của học sinh, cô luôn phải vừa dậy vừa dỗ, gần gũi, yêu thương, rèn luyện các em trở thành “Con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”. Bên cạnh đó, cô còn phối hợp chặt chẽ với Tổng phụ trách Đội, các giáo viên bộ môn để làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, các hoạt động của Đội.

Không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh mà bằng niềm đam mê và sự tận tụy, cô Thủy, cô Mơ, cô Hương còn là những người thầy truyền cảm hứng học tập, luôn tìm tòi, sáng tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy để mang đến cho học sinh những giờ học lý thú, hấp dẫn.  Những thành tích của các cô phần nào nói lên sự tâm huyết, nỗ lực trong sự nghiệp trồng người và trong các phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục-Đào tạo Bắc Ninh.

Minh Hường - Việt Thanh