Quản lý các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

17/12/2018 08:48 Số lượt xem: 1187
Hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được tỉnh quan tâm, nhất là thực hiện các quy định pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Qua đó, góp phần ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mục tiêu phát triển bền vững.

Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê.

Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở sản xuất hóa chất đều nằm trong các KCN và các cơ sở sản xuất giấy, thép chủ yếu tại các làng nghề và cụm công nghiệp. Đánh giá tổng quan về tình hình BVMT, các cơ sở sản xuất quy mô lớn cơ bản đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Riêng các cơ sở sản xuất giấy và thép quy mô nhỏ tại các làng nghề, cụm công nghiệp việc chấp hành pháp luật về BVMT còn nhiều hạn chế, chưa lập hồ sơ môi trường. Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Diana Unicharm - Bắc Ninh, Công ty CP đầu tư và xây dựng Hợp Lực… thực hiện tốt việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), được ngành chức năng xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định.

Việc đầu tư các công trình BVMT, kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Trên lĩnh vực sản xuất hóa chất, có 8/9 doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải; 1 doanh nghiệp (do phát sinh ít) thuê đơn vị thu gom và xử lý nước thải. Lĩnh vực sản xuất giấy, tại làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), hiện tại nước thải được thu gom và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) với công suất 5.000m3/ngày, đêm. Đối với cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du), nước thải của hầu hết các cơ sở được xử lý sơ bộ bằng hệ thống bể lắng, lọc trước khi xả ra hệ thống thu gom nước thải chung. Lĩnh vực sản xuất thép tại Châu Khê (thị xã Từ Sơn), phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt được xử lý bằng các bể tự hoại trước khi xả ra hệ thống thu gom, đưa vào nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt của thị xã Từ Sơn.
Cùng với việc chủ động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong công tác BVMT, ngành chức năng của tỉnh còn tích cực tuyên truyền, các quy định pháp luật về môi trường. Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về công tác BVMT; phổ biến các văn bản quy phạm mới. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… để nâng cao ý thức BVMT trong cộng đồng doanh nghiệp. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng được tăng cường.
Mới đây, tỉnh tổ chức thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phong Khê (giai đoạn I), yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại vi phạm pháp luật về BVMT. Đến nay, 100% các cơ sở đã ký hợp đồng đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Tổ chức thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Lâm và giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan lập biên bản xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép…
Tuy đạt một số kết quả khả quan trong công tác BVMT đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế. Đó là, hầu hết các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa lập các thủ tục hành chính về môi trường (báo cáo ĐTM; kế hoạch BVMT); chưa đầu tư các công trình xử lý môi trường bảo đảm quy chuẩn. Hơn nữa, việc xả các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề thủ công nghiệp còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính, do chưa có chế tài mạnh để áp dụng đối với các cơ sở cố tình vi phạm nhiều lần. Trong khi đó, ý thức BVMT của các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, cụm công nghiệp còn chưa tốt. Lực lượng làm công tác quản lý môi trường địa phương còn thiếu trong khi khối lượng và tính chất phức tạp của công việc ngày một tăng.
Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT đối với các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, thời gian tới tỉnh tiếp tục bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt đối với các cơ sở thuộc danh mục.  Bổ sung các chế tài mạnh như: thu hồi giấy phép kinh doanh, chứng nhận đầu tư…) để kiên quyết xử lý đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm nhiều lần các quy định của pháp luật về BVMT. Tăng cường công tác giám sát việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Tại cuộc họp với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội vào tháng 8-2018, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cưỡng chế đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cố tình vi phạm pháp luật về BVMT nhiều lần. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các Cụm công nghiệp không xác định được chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.

Bài, ảnh: Hoàng An