Phát triển thương mại dịch vụ khu vực nông thôn

21/11/2018 08:55 Số lượt xem: 1226
Cùng với chú trọng phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị ở khu vực thành phố, tỉnh chỉ đạo các địa phương thuộc khu vực nông thôn tập trung phát triển thương mại dịch vụ (TMDV) bằng việc nâng cấp, xây mới các chợ trung tâm, cửa hàng tiện lợi phục vụ nhân dân. Mục tiêu hướng tới xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

 

Cửa hàng tạp hóa Hậu Chính ở Phượng Mao (Quế Võ) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Hiện nay, các địa phương ở khu vực nông thôn nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy TMDV phát triển phù hợp với tình hình thực tế. Một số địa phương huy động được nhân dân và các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động… Xã Long Châu (Yên Phong) là một điển hình về phát triển TMDV. Với lợi thế gần KCN Yên Phong I, nhu cầu về nhà ở, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công nhân tăng nhanh, tận dụng tiềm năng đó, Long Châu chú trọng thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển TMDV. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn mở rộng, phát triển ngành, nghề mới như: kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng tạp hóa; mở dịch vụ ăn uống, làm đẹp, vui chơi giải trí và xây nhà cho công nhân thuê... Đến nay, Long Châu có hơn 9.670 phòng trọ cho hơn 10.000 công nhân thuê; gần 300 ki ốt bán hàng,… đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, công nhân sinh sống trên địa bàn xã. Năm 2013, doanh thu từ TMDV của xã đạt gần 85 tỷ đồng, đến năm 2018 ước tăng lên gần 190 tỷ đồng, trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Nhiều người dân có thu nhập hàng tỷ đồng/năm như ông Nguyễn Hữu Nghị kinh doanh nhà ở và ki ốt bán hàng, ông Nguyễn Văn Cảnh kinh doanh nhà ở và hàng tạp hóa, Nguyễn Văn Hà mở siêu thị tổng hợp…
Nhiều địa phương cũng biết phát huy lợi thế gần các khu, cụm công nghiệp, giao thông thuận lợi như xã Long Châu để thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình TMDV,  đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú của người dân, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Hiện toàn tỉnh có hơn 40.000 cơ sở kinh doanh thương mại cá thể hoạt động ổn định. Hầu hết các xã đều có chợ và các điểm mua sắm tập trung. Nhiều xã, thị trấn hình thành khu thương mại tập trung, các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh và các công trình kho tàng, bến bãi lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Thương mại nông thôn phát triển đóng góp gần 80% vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ của tỉnh.
Mặc dù TMDV khu vực nông thôn đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị.  Việc đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh...) còn hạn chế: chợ quy mô nhỏ, chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ. Chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng chợ nông thôn. Công tác quản lý chợ chưa phát huy hết tác dụng, mới chỉ dừng lại ở việc thu phí, lệ phí… Những hạn chế này dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng trao đổi hàng hóa, giao lưu thương mại và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp -TTCN nông thôn phát triển.
TMDV khu vực nông thôn muốn phát triển bền vững rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong xây dựng, quản lý quy hoạch, tổ chức thực hiện các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn. Đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được sản xuất tại nông thôn thông qua các kênh phân phối, xúc tiến thương mại. Kêu gọi đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hiện đại của người dân…
Quang Minh