Những tỷ phú nông dân

23/10/2018 08:23 Số lượt xem: 2343
Những năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh bằng tài năng, ý chí đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Kỹ sư của làng quê

Ông Nguyễn Kim Hùng (Thôn Cầu Đào, Xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình), chủ nhà máy điện cơ Thiên Long Hùng Phương (tiền thân là Công ty TNHH Thiên Long Hùng Phương thành lập từ năm 2003), với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất máy bơm điện loại nhỏ, động cơ điện và buôn bán một số phụ tùng thiết bị ngành điện.

Xưởng chế tạo máy hút bùn và máy bơm của ông Nguyễn Kim Hùng đã giúp ích rất nhiều cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
 

Xuất thân từ nông dân, ông Hùng luôn tìm tòi và sáng tạo ra nhiều chủng loại máy nông ngư nghiệp phục vụ sản xuất  giúp người dân đỡ vất vả, góp phần nâng cao năng suất hiệu quả công việc. Dù không được học qua bất cứ một trường lớp về cơ khí nào nhưng ông đã sáng chế ra máy bơm năm 2004 và máy hút bùn năm 2017, tăng năng suất lao động cho người dân. “Nếu chỉ dùng các công cụ thô sơ, năng suất thấp mà lại tốn sức. Chiếc máy bơm công suất 3,7 kw có thể thay thế 20 người công nhân tưới 1 ha mà chỉ tiêu thụ hết có 120.000 đồng tiền điện.”, ông Hùng chia sẻ.
Máy bơm giúp cho bà con tiết kiệm được rất nhiều công sức trong việc tưới, tiêu, có thể mở rộng quy mô sản xuất nuôi trồng của mình. Máy hút bùn được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả lớn giúp cho nông dân như quản lý tốt môi trường ao nuôi, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao mật độ nuôi, giảm dịch bệnh do định kỳ được đưa chất thải từ trong ao ra ngoài.
Nhận thấy nhu cầu của người dân cao, thị trường ngày càng mở rộng khiến ông Hùng mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất, từ chỗ ban đầu chỉ có 3 máy công cụ lên vài chục máy hiện đại của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... với tổng mức đầu tư lên đến 5 tỷ đồng. Xưởng sản xuất của ông có chức năng gia công chi tiết, ngoài ra một số bộ phận của máy phải đặt hàng từ các xưởng bên ngoài, sau đó lắp ráp và bán ra thị trường. Do nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp của nông dân ngày một tăng cao, sản phẩm do ông Hùng chế tạo ngày càng được biết đến và tin dùng.
Xưởng sản xuất của ông Hùng tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân thường xuyên với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng/người, và khoảng 20 lao động thời vụ với mức lương trung bình 2,5-3triệu đồng/tháng/người. Tổng doanh thu hàng năm đạt 6 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 1 tỷ đồng/năm.
Trong những năm qua, ông Hùng và cơ sở sản xuất của mình đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Huy Chương Vàng và Công nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn” năm 2010, Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016 năm 2017, Giải nhất cuộc thi: Nhà Nông sáng tạo tỉnh Bắc Ninh năm 2017, Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh năm 2016 - 2017.
Để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển
Hộ gia đình ông Trần Văn Tường  (Bính Hạ, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn) sở hữu khu chăn nuôi rộng 3000 m2 tại bờ kênh dẫn nước ở khu phố Trang Liệt, nuôi 15.000 gà bố mẹ đẻ trứng theo mô hình chuồng nuôi khép kín và khu ấp nở rộng 800 m2  trong khu dân cư khu phố Bính Hạ. Khu ấp nở đặt 14 máy ấp, trong đó 01 máy của Hà Lan sản xuất công suất 57.000 trứng/mẻ; 13 máy thanh đảo Trung Quốc sản xuất, công suất 19.200 trứng/mẻ. Hàng tháng cơ sở ấp nở xuất ra khoảng 300.000 gà giống với doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/tháng. Năm 2017 trừ chi phí thu lãi được gần 6 tỷ đồng.
Cơ sở đã tạo việc làm cho 16 lao động với mức thu nhập ổn định. 12 lao động phổ thông có mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng, 3 lao động kỹ thuật 8 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt lao động phân loại giới tính gà có mức lương rất cao.
Từ khi đi vào hoạt động, trang trại thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bảo đảm không dùng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là do sản xuất gà giống đẻ trứng nên trong 24 giờ đầu sau khi nở 100% gà con được tiêm phòng vacxin MaJex với chi phí tiêm Vacxin hàng tháng khoảng 120 triệu đồng. Chính vì tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh nên con giống của cơ sở sản xuất bảo đảm các yêu cầu tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh. Trang trại được Chi cục Thú ý tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất của hộ ông Tường ngoài tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho người lao động còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trên địa bàn và năm hành tích chung của tổ chức Hội Nông dân. Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Tường liên tục được công nhận danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.


Mô hình nuôi gà của ông Trần Văn Tường xuất ra khoảng 300.000 gà giống mỗi tháng, góp phần phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trên địa bàn.
 

Chăn nuôi đi liền với VietGAP

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hồng Thái (Thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành) là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế hộ.
Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Gia Đông về việc chuyển đổi diện tích đất trũng cấy lúa không hiệu quả sang chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, năm 2003, gia đình ông được UBND xã giao cho sử dụng 2.5ha diện tích đất khó canh tác tại xứ Đồng Ngượt, thôn Tam Á, trang trại cách xa khu dân cư. Sau nhiều năm vừa làm vừa xây dựng, tìm tòi nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các trang trại trong và ngoài tỉnh, đến năm 2017 trang trại của gia đình đã xây dựng được 6 dãy chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 5.000m2. Để giảm nhân công lao động, ông đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư hệ thống dây chuyền sôlô cho ăn bán tự động trị giá 600 triệu đồng, ngoài ra xây dựng hệ thống Biogas để xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện nay, trang trại đang sử dụng 8 lao động, trong đó 2 lao động có trình độ chuyên môn. Lương người lao động từ 6,5 đến 8 triệu/người/tháng.
Đầu năm 2018, sản phẩm lợn thương phẩm của trang trại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
Năm 2017 do giá cả lợn thương phẩm xuống thấp, trang trại gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong hai năm 2017 và 2018, trang trại vẫn kiên trì giữ vững ổn định tổng đàn 2.200 con lợn, trong đó lợn nái sinh sản 200 con, lợn thương phẩm 2.000 con; toàn bộ lợn con sinh ra được nuôi tại trang trại đến khi xuất chuồng, trung bình 110 kg/con; sản lượng trên 30.000 kg/tháng. Tổng doanh thu từ đàn lợn 9 tháng năm 2018 đạt hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận thu được hơn 3 tỷ đồng. Trang trại chăn nuôi lợn của ông Thái được chứng nhận Hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh năm 2016, 2017.
Đây chỉ là 3 nông dân tiêu biểu trong rất nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Một vinh dự vừa đến với các ông Hùng, ông Tường và ông Thái là được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phiên họp Thường kỳ tháng 10 này.

Khánh Linh