Nâng cao hiệu lực của chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng

19/11/2018 08:44 Số lượt xem: 1723
Huyện Tiên Du đang tích cực triển khai, phổ biến Luật Xây dựng và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) tới các xã, thị trấn với những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để xây dựng bộ mặt kiến trúc đô thị văn minh, hướng tới mục tiêu phát triển trong tương lai cần có sự vào cuộc quyết tâm của các ngành, địa phương trong toàn huyện đối với lĩnh vực quản lý TTXD.

Phần lớn các hộ dân khu đô thị mới tại thị trấn Lim chấp hành tốt về quản lý quy hoạch, TTXD khi tiến hành xây dựng nhà ở.

Sau khi đồ án quy hoạch chung xây dựng Nông thôn mới các xã trên địa bàn Tiên Du được phê duyệt, việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng do các xã, thị trấn làm chủ đầu tư cơ bản tuân theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Một số trường hợp không phù hợp quy hoạch được ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện kịp thời cập nhật, điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2018, ngành chức năng và các địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý 23 trường hợp vi phạm TTXD (22 trường hợp là nhà ở riêng lẻ, 1 doanh nghiệp xây dựng công trình trạm dừng nghỉ không phép). Ngoài ra, các đơn vị còn hoàn thiện hồ sơ, thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp lấn chiếm đất đai tại xã Đại Đồng, thị trấn Lim… Qua đó, từng bước đưa hoạt động quản lý TTXD vào nền nếp, diện mạo kiến trúc, cảnh quan một số khu vực đô thị, nông thôn ngày thêm khang trang.
Tuy nhiên, hoạt động cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại các khu dân cư hiệu quả còn thấp. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, địa phương cấp 37 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (chủ yếu tập trung tại thị trấn Lim), 13 giấy phép thi công công trình của doanh nghiệp. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện: Nguyên nhân chính là do nhiều khu vực thiếu thiết kế đô thị hoặc thiết kế đô thị chưa đầy đủ dẫn đến những khó khăn trong việc xác nhận, làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Một số khu vực nông thôn không phải xin cấp phép xây dựng, khi tiến hành xây dựng chỉ cần báo chính quyền địa phương để quản lý theo đúng quy hoạch… Trong khi đó, ý thức của người dân về việc xin cấp phép xây dựng không cao; lực lượng chuyên trách thực hiện kiểm tra, giám sát TTXD còn thiếu. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ phụ trách ở một số địa phương còn yếu, bởi khi giao đất, xác định lại mốc giới là thời điểm mấu chốt để yêu cầu hộ dân thực hiện cấp phép xây dựng nhưng không có biện pháp ràng buộc hiệu quả. Một số công trình xảy ra sai phạm đã được phát hiện, lập biên bản nhưng xử lý không cương quyết, hoặc đùn đẩy, chuyển vụ việc lên cấp trên thông qua các văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo trong khi chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý TTXD, cần thực hiện nghiêm một số giải pháp: Tăng cường công tác kiểm tra TTXD, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương. Gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ quản lý TTXD trên địa bàn. Yêu cầu, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn kiểm tra, tổng hợp tình hình cấp giấy phép xây dựng và vi phạm TTXD tại địa phương, báo cáo huyện kết quả và biện pháp khắc phục, xử lý. Chú trọng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng; công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng. Tập trung kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch chi tiết đang thực hiện. Đối với những đồ án thiếu các nội dung về thiết kế đô thị, điều lệ quản lý quy hoạch… yêu cầu chủ đầu tư bổ sung làm căn cứ quản lý TTXD. Đây được coi là dữ liệu quan trọng để đơn vị chức năng hoàn thiện, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho từng khu, từng tuyến đường, bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân và đúng quy định pháp luật về TTXD.

Bài, ảnh: Hoàng An