Nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở

19/03/2020 20:27 Số lượt xem: 2161
Cùng với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện cho người dân có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa.

Thời gian qua, UBND tỉnh phê duyệt xây dựng 14 Nhà chứa Quan họ là thiết chế văn hóa đặc thù riêng có ở Bắc Ninh gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ. Hiện đã có 5 Nhà chứa Quan họ hoàn thành đưa vào sử dụng. Khi được bàn giao công trình Nhà chứa Quan họ, các địa phương đều thành lập Ban quản lý do cán bộ văn hóa xã làm Chủ nhiệm. Dự án đầu tư xây dựng mới công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với tổng diện tích 19.400 m2 cũng hoàn thành giai đoạn 1 và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện những hạng mục còn lại để sớm bàn giao tổng thể công trình. Năm qua, trụ sở làm việc của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh cũng được đầu tư xây mới; Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh được sửa chữa khang trang. Ở cấp huyện, có 6/8 Trung tâm văn hóa-thể thao huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt chuẩn với đầy đủ công trình như nhà văn hóa, thư viện, sân vận động…
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn cũng từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở vật chất cho cộng đồng dân cư các địa phương. Hiện nay, hơn 90% số xã, phường, thị trấn có quy hoạch Khu hội trường văn hóa đa năng bảo đảm quy chuẩn; có 104/126 xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm văn hóa-thể thao; có 100 Hội trường văn hóa đa năng cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn từ 200 chỗ ngồi trở lên. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 634/732 thôn, làng, khu phố có Nhà văn hóa, trong đó 616 khu nhà văn hóa đạt chuẩn diện tích 300m2 trở lên.

 

Nhà chứa Quan họ là một thiết chế văn hóa đặc thù riêng có ở Bắc Ninh được cộng đồng Quan họ khai thác phát huy hiệu quả.


Nhìn chung, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đang dần được quan tâm đầu tư khang trang, hướng đến đạt chuẩn. Tuy nhiên, các địa phương mới chú trọng phần vỏ là xây dựng trụ sở, ít quan tâm đến phần ruột như trang thiết bị, nội dung, phương thức hoạt động... Khảo sát thực tế cho thấy phần lớn các thiết chế văn hóa cơ sở như Trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã, phường và các Nhà văn hóa thôn làng, khu phố chưa phát huy hết công năng hiệu quả sử dụng, chưa trở thành điểm đến thường xuyên của người dân do thiếu kinh phí hoạt động, trang thiết bị nghèo nàn, xuống cấp, các mô hình hoạt động đơn điệu…
Trước thực trạng trên, để nâng cao chất lượng hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đòi hỏi ban hành quy chế hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các trung tâm, nhà văn hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; bổ sung trang thiết bị hoạt động, thay thế những thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; khắc phục hiện tượng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở địa phương bị bỏ hoang, đầu tư cơ sở vật chất nhưng không tổ chức được các hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Song song với việc tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa cũng cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động một cách linh hoạt, sáng tạo để vận hành, khai thác các thiết chế hiệu quả, đồng thời tổ chức đa dạng các hoạt động có ý nghĩa sát thực với nhu cầu, lợi ích của người dân mỗi địa phương.
Ngoài ra, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu… Có như vậy, các thiết chế văn hóa mới có thể phát huy tốt vai trò, ý nghĩa, làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân và giữ gìn các giá trị văn hóa cộng đồng...

V.Thanh